main billboard

 

Kiều gảy đàn

Tuy truyện Kiều đã hơn 200 năm, vẫn có vài đề tài thường hay được bàn luận và một số câu hỏi được nêu ra. Nếu bạn đọc muốn biết nàng Kiều bao nhiêu tuổi khi câu chuyện bắt đầu, thằng bán tơ là ai, truyện Kiều của Nguyễn Du khác với tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Trung quốc như thế nào, Kiều đánh loại đàn gì, "vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề" là nói về cái gì, giá mua nàng Kiều là lượng vàng hay lượng bạc, thì mời bạn đọc tiếp.

1. Thúy Kiều bao nhiêu tuổi khi gặp Kim Trọng? Đề tài này cũng được nhiều vị tiền bối như Tản Đà, Lê Văn Hòe, v.v. và các văn thi sĩ bàn tán trên mạng. VT cũng xin góp kiến giải cua mình. Nhưng trước hết, chúng ta chỉ nên dựa theo truyện Kiều, chứ cũng không cần tra xét nhân vật Kiều trong lịch sử, hay tìm hiểu từ truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Đây là tác phẩm Kiều của Việt-Nam và chúng ta muốn hiểu ý của thi hào Nguyễn Du là thế nào. Đa số học giả dựa theo câu thơ này để kết luận nàng Kiều bao nhiêu tuổi:

“Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”.

Tuổi cập kê là tuổi cài trâm, theo câu thơ "Nữ tử thập hữu ngũ niên nhi kê" trong Kinh Lễ là 15 tuổi. Cho nên nhiều người cho rằng từ câu thơ này mà nói nàng Kiều sắp 15 tuổi, mình hãy cho là 15 đi cho chẵn. Chính vì vậy rất nhiều điểm trong truyện Kiều nghe không thông suốt.. Kiều phải lớn hơn Vương Quan ít nhất 3 tuổi. Nếu ba năm sinh ba người thì Vương Ông cũng là quá hăng đi, cho nên để hợp tình hợp lý chút, Kiều nên lớn hơn Vương Quan ít nhất 3 tuổi chứ không phải là 2. Vậy giả thuyết Kiều 15, Thúy Vân 14, và Vương Quan 12. Kim Trọng một thân một mình đi hộ tang đất Liêu Dương, lại nghĩ đến “chày sương chưa nện cầu Lam”, “xem trong âu yếm có phần lả lơi”, để Kiều từ chối và nhắc truyện Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh, thì chàng Kim nên tối thiểu là 17 tuổi trở lên. Vương Quan dù là thần đồng đi nữa với tuổi 12 thì quá nhỏ để kết giao thân tình với chàng Kim.

Nếu Thúy Kiều chỉ mới 15 tuổi, thì tuổi của bé Quan nghe không thông tí nào, mới 12 làm sao đã biết rành chuyện phong tình của Đạm Tiên. Xét theo lối cư xử của Thúy Kiều, đi tìm chàng Kim ban đêm, “vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa” , và so chàng Kim với hoa đẹp (hoa đẹp không phân giới tính nam/nữ), và quyết định bán mình cứu gia đình, thì nàng Kiều cũng nên xấp xỉ 17 tuổi trở lên và Vương Quan khoảng 14, như vậy thì kết giao với chàng Kim mới nghe thông, và có bị “đám ruồi xanh” đeo gông vào cổ cũng không đến nỗi quá mất tính người. Chả lẽ bọn công an lại đeo gông vào cổ đứa bé nít mới 11,12 tuổi, treo lên cột nhà ư?

Trở lại câu thơ trên: “Xuân xanh xấp xỉ, (đã) tới tuần cập kê”. Thơ Kiều của Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm, giống Hán tự mà rắc rối hơn, cũng không có phẩy, chấm than, chấm hỏi, v.v. Nếu chúng ta thêm dấu phẩy vào sau chữ xấp xỉ, thì có thể hiểu là 2 nàng Kiều trạc tuổi gần bằng nhau và cũng “đã” tới tuần cập kê. Thiếu chữ “đã” cho người đọc thơ tự thêm vào. Chúng ta hãy xem những câu thơ này :

Nàng rằng: “Trước đã hẹn lời
Dẫu trong nguy hiểm (đâu) dám rời ước xưa.”

Trăng thề còn đó trơ trơ
(Đâu) Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng

Vì là thơ nên ý từ cô đọng, người đọc thơ nên hiểu tâm ý tác giả, ý tại ngôn ngoại, và tự nhiên thêm chữ vào cho hợp lý, chẳng thể đòi hỏi văn phạm giống như trong văn xuôi. Cho nên, câu thơ trên “ Xuân xanh xấp xỉ, (đã) tới tuần cập kê”. Thì hai nàng Kiều xấp xỉ hơn kém 1 tuổi và đă qua tuổi cập kê. Như vậy thì câu lục bát tiếp theo nghe lại càng hợp lý. “Êm đềm trướng rủ màn che / Tường đông ong bướm đi về mặc ai.” Nếu nhỏ hơn tuổi cập kê thì tất nhiên là nên lờ ong bướm rồi, không đáng đề cập tới. Mười sáu, 17 tuổi, vì con nhà gia giáo, lờ ong bướm thì mới làm cho đoạn thơ đó có ý nghĩa. Vậy, Thúy Kiều và Thúy Vân đã qua tuổi cập kê, thì Kiều nên khoảng 17, Vân 15, 16, Quan 14, thì tính chất, hành xử của những nhân vật trong truyện Kiều sẽ trở nên hợp tình hợp lý. Chàng Kim phải lớn hơn Kiều vậy thì khoảng 18, 19 là vừa.

2. Truyện Kiều của Nguyễn Du dựa theo cốt truyện “Kim, Vân, Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN). Cốt truyện giống nhau khoảng 90 phần trăm. Cũng thuyết tài mệnh đối kỵ, cũng "đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ." Truyện của TTTN kể tỉ mỉ về sự kiện vu oan của thằng bán tơ, giải thích rõ ràng “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”, và cho nàng Kiều sổ thơ rất nhiều. Đoạn thuyết phục và những sự kiện dẫn đến Từ Hải nguyện ý đầu hàng, thì rất dài dòng, luộm thuộm. Một đoạn nhiều khác biệt nữa là sự trả thù của nàng Kiều. Tuy cốt truyện giống nhau, nhưng Nguyễn Du bỏ đi rất nhiều chi tiết của truyện Tàu, chắc cũng hơn 60 phần trăm và với tài văn chương của thi hào Nguyễn Du đã làm truyện Kiều thành kiệt tác, còn truyện văn xuôi của TTTN vẫn chỉ là một pho tiểu thuyết thường thường của Trung quốc.

Kể lể rõ về “vành trong tám nghề” làm giảm giá trị quyến sách rất nhiều. Những áng thơ Kiều hay tác giả TTTN thích sổ ra để khoe văn chương làm loãng câu chuyện mà thơ cũng không lấy gì làm hay cho lắm. Những chi tiết như thế đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta chỉ lướt qua, rồi viết ra vài câu thơ kể chuyện rất truyền cảm, rất tuyệt vời để diễn tả tâm trạng, ý tưởng, đối thoại của nhân vật.

Hình phạt tả sự trả thù ở trong truyện của TTTN nghe rất dã man, và nàng Kiều truyện Tàu cũng không có độ lượng như nàng Kiều của Việt Nam mà tha cho Hoạn Thư. Sau khi được chàng Thúc hết lời nài nỉ, thì Kiều mới chấp thuận tha chết cho Hoạn Thư, nhưng vẫn phạt tội sống - cho treo lên đánh đòn thịt da tan nát, thoi thóp rồi mới cho thả về. Mẹ của Hoạn Thư thì được tha ngay sau khi bà quản gia nhà họ Hoạn từng giúp đỡ Kiều nhiều xin chịu tội giùm. Nhưng Mẹ Hoạn Thư vì sợ quá, về nhà rồi chết. Cảnh tra tấn, trừng trị bọn Mã Giám Sinh, Bạc Hạnh, Bạc Bà, Sở Khanh, mỗi người một vẻ, rất tàn khốc, nghe mà rợn người. Đoạn này Nguyễn Du chỉ nói sơ qua.

3. Nhắc đến trừng phạt Hoạn Thư, Kiều của VN hiền lành, độ lượng tha ngay:

Khen cho: “Thật đã nên rằng
Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời.”
Tha ra thì cũng may đời
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.
Đã lòng tri quá thì nên
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.

Có vài bản dịch qua Anh ngữ cho rằng Kiều nói câu "Tha ra thì cũng may đời / Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen" với Hoạn Thư. Tôi thì cho rằng đó là ý nghĩ trong lòng Kiều mà thôi. Vì có Từ Hải ở đó, nên Kiều tuy phải tỏ vẻ độ lượng, nhưng cũng không có lý do gì mà phải báo cáo cho Hoạn Thư biết là tôi không đánh cô vì sợ mang tiếng là nhỏ nhen. Kiều có quá đủ lý do để đánh Hoạn Thư vì HT cho người bắt cóc Kiều, đánh đập Kiều, và còn hành hạ tâm lý Kiều nữa khi bắt Kiều hầu hạ ở bàn tiệc "Bắt khoan bắt nhặt đến lời / Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay. "

Kiều muốn độ lượng thì cứ độ lượng há phải nói nguyên nhân sâu xa trong đó cho Hoạn Thư biết. Thiệt ra, một phần lớn Hoạn Thư được tha không bị chút trày da gì là do có chàng Từ ở đó.

4. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ nói rất sơ sài về thằng bán tơ. Thằng bán tơ thuộc băng đảng bọn cướp, vì bọn cướp căm tức chú của Kiều, nên khi bị bắt, họ vu oan cho gia đình Kiều. Cần phải có 300 lạng mới lo lót xong chuyện. 100 lạng đút lót quan lớn, 100 lạng cho bọn cướp đổi lời khai, còn 100 lạng cho bọn công an, đám ruồi xanh đó.

5. Kiều đánh loại đàn gì ? Nói là hồ cầm nhưng hồ cầm là loại đàn gì. Cũng là một loại đàn tỳ bà, cũng 4 dây, khác đàn tỳ bà thông thường 1 chút. Còn chính xác khác như thế nào thì mình cũng không nhớ, không thấy gì quan trọng.

6. Nàng Kiều trong truyện văn xuôi của TTTN sổ thơ rất nhiều. Đây là một phần bản dịch bài thơ Kiều khi tái hội với Kim Trọng và ngỏ lời từ chối chuyện phòng the, làm 10 bài thơ đưa chàng Kim đọc, tôi thấy cũng không có gì hay. So với văn chương của thi hào Nguyễn Du thì thiệt là cách xa một trời một vực. Đọc 10 bài ngũ ngôn thấy cũng không gì hay, xin đăng một bài cho quý độc giả xem:

Bài 8.

Lòng người nào ai biết?
Người chết, thật vì thiếp.
Vì thế, sông Tiền Đường,
Một chết cho vẹn tiết.

7. “Vành ngoài 7 chữ, vành trong 8 nghề” là gì ? Vành trong 8 nghề là những kỹ thuật phòng the của gái làng chơi để làm cho khách mê mẩn. Món đầu trong 7 món vành ngoài là món “khóc”, nước mắt của nữ nhân. Khóc để cho khách thấy thương xót. Món thứ 2 là “xén tóc” nghĩa là kỹ nữ rủ khách xén tóc mỗi người một chút rồi bện lại với nhau để tỏ ý “kết tóc se tơ”. Những món khác cũng là những thủ đoạn dùng tâm lý để làm khách cảm động và dụ dỗ khách làng chơi. Kể ra thì cũng chẳng có gì là hay ho nên thi hào Nguyễn Du gom lại một hai trang chữ thành nửa câu thơ lục bát “vành ngoài 7 chữ, vành trong 8 nghề.”

8. Giá Kiều bán mình là đơn vị lượng vàng hay lượng bạc? Trong Truyện Kiều chỉ nói Kiều bán mình ngoài 400 lạng, nhưng không nói rõ là lạng vàng hay lạng bạc. Đơn vị trao đổi tiền bạc thời đó là dùng lượng bạc. Nhưng ý của Nguyễn Du là lượng vàng hay lượng bạc? Lượng bạc thì làm mất giá nàng Kiều của Việt Nam ta quá. Một lượng vàng cũng hơn cả trăm lượng bạc thì phải. Trong thơ Kiều có mấy câu như sau :

"Cò kè bớt một thêm hai / Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm"

"Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao"

"Mối rằng : Đáng giá nghìn vàng"

"Thân nghìn vàng để ô danh má hồng"

"Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân!"

"Tiếc thay lưu lạc giang hồ / Nghìn vàng, thật cũng nên mua lấy tài!"

Từ nàng Kiều đáng giá nghìn vàng hay là ngụ ý vô giá, mà nếu bán mình chỉ có vài trăm lượng bạc, thì quả thật quá rẻ tiền. Xem những câu thơ trên, hẳn là nàng Kiều nên được mua với giá lượng vàng thì chắc hợp ý với Nguyễn Du hơn.

Dù sao cũng là truyện thơ "mua vui cũng được một vài trống canh." Tác giả hẳn cũng không quan tâm tình tiết phải đối chiếu với hiện thực ngoài đời.

Vương Thanh
(Đặc San Lâm Viên)
12/2022, 02/2024