main billboard

 

Kim về đến nhà khi trời vừa sẩm tối. Mùa Đông thu gọn buổi chiều lại trong vòng hơn 4 tiếng đồng hồ. Hơn 4 giờ trời đã nhá nhem. Tuyết rơi suốt cả buổi chiều làm chị lái xe chậm vì đường trơn. Vừa ra khỏi xe, một cảm giác lạnh buốt da thịt làm chị rùng mình vội vã mở khóa cửa, lách vào vùng không khí ấm áp bên trong. Nhà vắng hoe, gia đình chủ nhà và cả những người ở trọ cũng chưa có ai về. Mệt mỏi và buồn, chị lên phòng thay quần áo và rúc mình vào chăn, mắt ráo hoảnh nhìn lên trần nhà. Tự nhiên Kim thấy nhớ những buổi tối xa xưa khi còn ở quê nhà – một thành phố miền Trung đầy nắng và gió biển – Chị hay đi tắm đêm với những người bạn gái, nhiều nhất là với Như. Kim hay sợ lạnh khi dầm trong nước biển, vì thế nên hay tắm đêm – vì ban đêm nước biển ấm hơn ban ngày – nhất là những đêm mùa hè. Hai đứa thường lội bộ ra biển, vì giờ đó thủy triều xuống, ra đến vùng cách bờ khoảng 100 mét mực nước vẫn còn dưới bụng. Những ngọn đèn cao áp trên bờ rọi sáng bãi tắm đêm xóa tan trong chị nỗi sợ hãi khi thấy một vùng biển đen ngòm rì rào đầy vẻ bí ẩn và đe dọa. Hai đứa chỉ lên bờ khi tiếng loa trên những chòi cứu nạn báo đã hết giờ tắm đêm.

Rồi Kim đi. Chị đến nước Mỹ xa xôi này bằng giấy bảo lãnh của chồng. Kim nào biết chồng chị bảo lãnh chị chỉ vì lòng thương hại, vì hai người còn liên hệ với nhau bằng một tờ giấy hôn thú. Gặp lại chồng, Kim chưa kịp mừng thì anh đã nói thẳng với Kim là anh đã có người đàn bà khác, và đề nghị Kim ký tên vào đơn xin ly hôn. Anh hứa sẽ chờ khi Kim cầm thẻ xanh trong tay rồi mới tiến hành thủ tục ly hôn. Bơ vơ xứ lạ quê người, chị chẳng biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Kim gạt nước mắt, vắt óc tìm kiếm người thân, bạn bè, và chị chợt nhớ đến Lê – một người bạn cùng lớp cũ. Gọi cho Lê vào một buổi chiều tuyết cũng rơi như chiều nay, lòng Kim chợt ấm lại khi Lê vừa nghe xong chuyện của Kim đã vội nói:

– Không sao, mầy cứ đến đây ở với tao. Nhà tao rộng lắm, có phòng cho thuê. Nhưng mầy thì tao không lấy tiền thuê đâu. Còn chuyện như chồng mầy bên nầy là “chuyện ngày thường ở huyện”, tao không ngạc nhiên tí nào đâu.

Thì ra trong cái rủi vẫn có điều may. Và Kim đi. Từ đó, với sự giúp đỡ của Lê, Kim dần dần ổn định cuộc sống với một việc làm cố định, sáng đi thật sớm, chiều về vào lúc 4 giờ, và chị hòa nhập vào gia đình của Lê và những mảnh đời trôi dạt cùng ở trọ trong nhà.

tuyet lanh ben troi

Bảo Huân

Phòng Kim ở trên lầu, sát phòng chị là phòng một người đàn ông trung niên độc thân. Khi anh này chưa đến chỉ có mình Kim ở trên lầu vắng nên chị hơi sợ. Cả nhà Lê gồm chồng và 2 con nhỏ ngủ ở tầng trệt. Có tính nhát gan từ nhỏ nên Kim hay sợ bóng tối và sự vắng vẻ. Từ ngày có Phong dọn về thuê phòng Kim thấy đỡ sợ hơn mỗi khi đi ngang qua căn phòng trống bỏ không. Dưới tầng hầm nửa lộ thiên, nửa chìm dưới mặt đất là hai vợ chồng già và một đứa con gái. Họ là những người nghèo nên chọn thuê tầng hầm cho rẻ tiền. Hai vợ chồng già mới đến Mỹ được vài ba năm do con riêng của ông già bảo lãnh. Bà Nghi – tên bà già – đi giúp việc nhà cho một gia đình với mức lương 1000 đô mỗi tháng. Còn ông Nghi thỉnh thoảng có người gọi đi cắt cỏ thì đi, không thì ở nhà, đứa con gái 18 tuổi tên Hân mới được cha mẹ bảo lãnh qua, đi làm nail. Bà Nghi mỗi tuần được chủ cho nghỉ ngày Chủ Nhật, ngày đó cũng là ngày nghỉ của Kim nên bà hay lên lầu rủ Kim xuống tầng hầm chơi.

Tầng hầm hơi chật cho 3 người ở, và cho cả chuyện bếp núc. Có lần ông già đi cắt cỏ vắng nhà, bà khóc và kể cho Kim nghe chuyện nhà cũng khá đau lòng. Bà Nghi là vợ sau của ông Nghi khi người đàn ông này đã có một đứa con gái lên 2. Vợ chết, ông vừa đi dạy một trường tiểu học cách nhà 3 cây số, vừa chở theo đứa con gái côi cút. Bà về với ông theo lời giới thiệu của một người bà con – vì lòng trắc ẩn hơn là tình yêu – trước cảnh mỗi chiều đi dạy về ông giáo chở theo một bé gái khóc èo uột không biết vì đói bụng hay vì nhớ mẹ. Nhờ có bàn tay người đàn bà chăm sóc, đứa bé lớn lên khỏe mạnh. Ông bà cũng có với nhau 2 con chung. Cô con gái riêng đi lấy chồng 5 năm thì sang Mỹ theo diện gia đình chồng bảo lãnh. 5 năm sau vợ chồng bà cũng được sang Mỹ đoàn tụ với con. Không ngờ đứa con gái đối xử với vợ chồng bà rất tệ. Bà trở thành người ở không công, vừa giữ con vừa làm tất cả việc nhà cho cô con gái riêng của chồng. Còn ông Nghi là cha ruột mà cũng bị đối xử không ra gì. Bà vừa khóc vừa kể:

– Tôi là mẹ kế, không đẻ ra nó nhưng cũng có công nuôi nó từ khi còn bé tí, cực khổ đủ điều. Còn ông ấy là cha ruột mà nó coi không bằng cha mẹ chồng. Cô nghĩ coi, buổi sáng trời tuyết lạnh, cha nó phải ra ngoài cào tuyết, trong khi vợ chồng nó và cha mẹ chồng ăn sáng trong phòng ấm áp. Nó lái xe đi làm, đi ngang qua chỗ cha cào tuyết mà cũng chẳng mời cha vào nhà ăn một miếng cho ấm bụng. Thằng em nó lấy vợ ở Việt Nam, thiếu tiền trả nhà hàng, phải nợ 15 triệu, ba nó hỏi mượn nó 1000 đô, nó bảo không có. Cô có tin nó là chủ tiệm nail, chồng là chủ mối cỏ, mà không có chừng ấy tiền không? Từ đó tôi phải đi ở cho nhà người ta để mượn trước 1000 đô cho ba nó gửi về Việt Nam trả nợ, rồi khi con gái út sang thì gia đình tôi đến thuê tầng hầm này. Có tiền rồi, nhờ nó đi gửi, nó cũng từ chối. Ba nó ra đường, cầm tiền vừa đi vừa khóc. Rồi may sao ổng nhớ ra còn lưu số điện thoại của một người bạn cũng ở thành phố này, nên nhờ người này chở đi gửi tiền đó cô. Thỉnh thoảng nó vẫn gọi điện thoại cho ba nó đòi trả ngay 2000 đô là tiền nó bỏ ra để làm thủ tục bảo lãnh ba nó với tôi, mà tôi cũng chưa có tiền trả.

Kim nghĩ thì ra trong cái chung cũng có cái riêng, trong muôn ngàn chuyện con dâu bên Mỹ đối xử với cha mẹ chồng không ra gì, thì cũng có chuyện con gái coi cha mẹ ruột không bằng cha mẹ chồng. Trong chừng ấy năm ở xứ này, Kim đã từng thấy nhiều cảnh đau lòng khi một bà mẹ chồng mới chân ướt chân ráo sang Mỹ chơi nhà con trai, đã nghe con dâu phủ đầu bằng những lời lẽ cạn tàu ráo máng. Sau khi mẹ chồng đến nhà một ngày, cô con dâu tiếp mấy cô bạn đến chơi, nhân đó đã nói những lời bóng gió cay nghiệt:

– Bọn bây biết không, mọi hôm nhà tao chỉ có 1 con chó coi nhà, hôm nay có đến 2 con chó.

Bà mẹ ra khỏi nhà, lang thang ngoài công viên, cũng may gặp được người đồng hương tốt bụng giúp đỡ trở về Việt Nam.

Gần tối cả nhà Lê quay về. Lê đặt những túi ni lông đựng thức ăn vừa mua ở siêu thị lên bàn vừa nói:

– Tối nay mầy ăn cơm với gia đình tao, có món cá ngừ đại dương ngon lắm.

Lê vừa làm cơm vừa nói chuyện với Kim:

– Hôm nay có một ông già đi lang thang ngồi ngoài hiên chỗ tiệm nail của tao. Lúc đóng cửa ra về tao có hỏi chuyện mới biết ông ấy mới từ Việt Nam sang theo diện con trai bảo lãnh, mới ở với con dâu vài ngày đã bị nó cầm chổi đập lên đầu đuổi đi. Tàn nhẫn đến thế là cùng! Anh con trai sợ vợ cũng chẳng dám can thiệp. Ông già đi lang thang mấy hôm rồi. Tội nghiệp, lạnh thế này mà phải ngủ ngoài hiên. Tao mua cho ông ấy ít thức ăn nhanh và cho ông ấy ít tiền rồi gọi điện báo với anh Khang. Anh Khang bảo tao nói ông ấy cứ ngồi đấy, anh ấy sẽ lái xe đến đón về nhà.

Kim thở dài:

– Cũng may còn có những người như anh Khang.

Khang là Mạnh Thường Quân của thành phố này. Anh có tiền và có một tấm lòng để cưu mang những người đồng hương cơ nhỡ rồi dần dần tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho họ. Câu chuyện làm Kim chợt nhớ chị đã đọc ở đâu đó những ân tình sâu sắc từ những con vật: Con chó bao nhiêu năm chiều nào cũng ra ga đón người chủ ( đã chết trước đó); 1 con chó khác từ khi người chủ chết nằm phủ phục bên mộ, nhịn ăn, nhịn uống cho đến chết; một con sư tử được một người đàn bà mang về nhà nuôi từ khi còn nhỏ, đến khi nó lớn lên người đàn bà mang nó tặng một thảo cầm viên, vậy mà khi người đàn bà trở lại thăm, nó ôm chầm lấy bà một cách thắm thiết, vẻ mặt đầy âu yếm như ôm một bà mẹ hiền. Ôi! Những con vật sao mà ân tình thắm thiết như vậy. Trong khi đó con người trong cõi nhân gian này thì…!

Bữa cơm tối Lê mời cả Phong và cha con ông già dưới tầng hầm. Bà Nghi đi giúp việc nên vắng nhà. Chồng Lê bật lò sưởi. Tuy chỉ là ngọn lửa nhỏ nhưng vẫn tạo cho cả nhà một cảm giác ấm cúng. Ngoài trời tuyết vẫn rơi, nhưng những con người tha hương vẫn tạm quên đi nỗi nhớ nhà. Kim nghĩ không có gia đình Lê bây giờ Kim sẽ ra sao? Tiền bạc rồi cũng sẽ kiếm được nếu có đôi bàn tay, còn tình cảm chân thật là điều không dễ kiếm. Biết Phong vẫn sống độc thân, Lê hay gán ghép hai người:

– Từ ngày có anh Phong về ở đây Kim nó đỡ sợ ma hẳn. Giá mà anh ở bên nó suốt đời có phải hơn không.

Kim lườm Lê một cái. Phong nói:

– Từ thuở nhỏ, tôi chẳng biết sợ ma là gì. Có một lần vào năm 17 tuổi, hồi ấy gia đình tôi về ăn cưới một người cậu ở một làng quê, nghe đồn có một căn nhà bỏ hoang giữa đồng ai cũng bảo ở đó ma nhiều lắm. Ban đêm thường có tiếng người đàn bà khóc than và ru con não nuột. Tôi bèn ôm theo chiếc chiếu và xách cái đèn pin đến đó ngủ một đêm để xem ma thế nào. Rốt cuộc ma đâu không thấy, chỉ thấy bị muỗi chích một đêm. Ma, thật ra chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Kim so vai:

– Khiếp! Chắc là vì anh không sợ nó nên nó phải sợ anh đấy.

Nhiều lúc Kim cũng thấy có chút tò mò về người đàn ông này. 40 tuổi, cùng qua Mỹ với gia đình cách đây 20 năm, Kim nghe Lê kể Phong ly hôn sau một lần về nhà bắt gặp vợ tư tình với bạn của mình trên chính chiếc giường của hai vợ chồng. Sau khi ly hôn, Phong giao nhà cho vợ con và thuê phòng ở một mình. Anh là bạn của An – chồng Lê. Trước đây hai người cùng làm một công ty, sau này An làm chỗ khác. Thỉnh thoảng thấy anh đón đứa con trai duy nhất về phòng chơi. Kim ở phòng bên cạnh nghe anh dạo đàn dương cầm cho con nghe. Hai cha con nhỏ to trò chuyện, thỉnh thoảng nghe thằng bé cười khúc khích. Nhiều lúc đưa con về với mẹ nó xong, Kim thấy Phong hay tư lự ra vườn ngồi một mình hút thuốc. Cuối tháng 10, lá cây trong vườn bắt đầu rụng nhiều, những chiều cuối tuần Kim hay ra vườn quét lá giúp Lê. Chị gom lá cây lại từng đống và Phong dồn lá vào những chiếc túi ni lông mang bỏ vào thùng rác trước nhà. Phong nói:

– Hồi còn ở quê nhà mẹ tôi hay đốt lá vào những buổi chiều tối. Hồi nhỏ tôi thích nhìn khói bay lên trời vào lúc hoàng hôn. Ở đây có muốn đốt cũng chẳng được. Kim nói:

– Anh Phong nói nghe như nhà thơ vậy.

Một lần gia đình Lê về Việt Nam ăn cưới một người em của An. Nhà vắng, Kim đi làm về thấy tầng dưới không có ánh đèn. Ngỡ là Phong chưa về, nhưng khi qua phòng Phong lại thấy ánh sáng lọt qua khe cửa. Trong lúc nấu cơm tối, Kim xuống tầng hầm xin ông già Nghi một chút hành lá lúc chiều chị quên mua, ông già nói:

– Lúc chiều cậu Phong say rượu, vậy mà dám lái xe về nhà. Khiếp quá, may mà không việc gì. Cậu ấy bỏ xe ngoài đường chỗ ngã ba gần công viên rồi đi bộ về nhà. Tôi phải dìu cậu ấy lên lầu. Chắc giờ ngủ say rồi. Cô nấu cho cậu ấy chút cháo ăn cho tỉnh rượu.

Kim thở dài:

– Thì ra là thế! Thảo nào không thấy xe anh ấy đậu trước nhà.

Lúc mang cháo cho Phong, Kim gõ cửa không thấy Phong lên tiếng. Cửa không khóa, chị hé mở vẫn không thấy Phong. Kim nghĩ: “Say rượu còn đi đâu được nhỉ. Hay là ra vườn”. Kim để cháo lên bàn và ra vườn đã thấy Phong ngồi trên ghế đá, dưới gốc cây táo. Kim nói:

– Anh Phong vào ăn cháo cho ấm bụng. Say rượu mà sao anh lại ngồi ngoài vườn. Trời thì lạnh thế này.

Phong nhìn Kim:

– Giá như Kim cứ nấu cháo cho tôi cả đời thì hay biết mấy.

Kim mang máng nhớ như mình đã nghe câu này từ một người khác. Đúng rồi, từ Quang – người chồng cũ – trong một hoàn cảnh na ná giống như hôm nay, từ một thời xa lơ xa lắc, khi hai người bắt đầu yêu nhau. Kim nghĩ có lẽ đàn ông người nào cũng giống nhau thôi. Đứng nhìn cây táo xơ xác lá trong buổi chiều mùa Đông giá lạnh, Kim nói với Phong mà như nói với chính mình:

– Chỉ là một câu nói trong lúc say rượu thôi mà.

Phong nhìn Kim, ánh mắt tha thiết:

– Kim không bao giờ say rượu nên không biết. Khi say là khi người ta nói thật nhất đấy.

Ông già Nghi ngồi bên cửa sổ tầng hầm nhìn ra, thấy hai con người cô đơn đã ngồi lại bên nhau trong buổi chiều đông lạnh giá. Bất giác ông mỉm cười và nói thầm một mình: “Thì ra mùa Đông không phải lúc nào cũng chỉ có mưa bão và tuyết lạnh!”

VHU (Denver -Colorado – USA )