Home CĐ Việt Du Học Mỹ Du học rồi không về

Du học rồi không về PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm / Người Việt   
Thứ Ba, 02 Tháng 2 Năm 2010 15:18

  Phần lớn những sinh viên ngoại quốc đến Mỹ để học lấy bằng tiến sĩ trong những ngành khoa học và kỹ thuật đã ở lại sau khi tốt nghiệp

-ít nhất là cho đến gần đây khi có cuộc khủng hoảng kinh tế-trái hẳn với sự tiên đoán rằng các giới hạn đưa ra sau vụ 9/11 về người di dân hay cơ hội làm việc mở rộng ở Ấn Ðộ hay Trung Quốc sẽ lôi kéo những người này về nước.

Phần lớn tiến sĩ ngoại quốc ở lại Hoa Kỳ 

Hình minh họa
(Theo Wall Street Journal)

Các dữ kiện mới đưa ra cho thấy khoảng 62% những người ngoại quốc có giấy chiếu khán tạm thời, có bằng tiến sĩ về khoa học hay kỹ thuật từ các trường đại học Hoa Kỳ từ năm 2002, sang đến năm 2007 vẫn thấy còn ở tại Hoa Kỳ, năm sau cùng có các dữ kiện này. Trong số những người tốt nghiệp năm 1997, có 60% vẫn còn ở Hoa Kỳ năm 2007, theo dữ kiện của trung tâm Oak Ridge Institute for Science and Education của Bộ Năng Lượng, thu thập cho Cơ Quan Khoa Học Quốc Gia (National Science Foundation - NSF).

Người ngoại quốc hiện chiếm khoảng 40% tổng số những người có bằng tiến sĩ trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật đang làm việc ở Mỹ, với một số lớn trong các ngành kỹ sư, toán và điện toán. “Khả năng thu hút và giữ các khoa học gia và kỹ sư ngoại quốc rất quan trọng cho việc gia tăng đầu tư vào khoa học và kỹ thuật,” theo lời phân tích gia Michael Finn ở Oak Ridge.

“Dữ kiện từ các nguồn khác cho thấy ‘mức ở lại’ của những người có bằng tiến sĩ khoa học và kỹ thuật trong năm 2007 có phần cao hơn so với các năm gần đây,” ông Finn cho hay. Ông có được kết luận này là nhờ dùng các tin tức về thuế để theo dõi những người tốt nghiệp, nhưng chỉ cho khoảng thời gian trước khi Hoa Kỳ đi vào tình trạng suy thoái kinh tế làm giảm khả năng kiếm việc trong kỹ nghệ Hoa Kỳ hay các trường đại học.

Các phân tích gia khác thấy có những chỉ dấu là những sinh viên tiến sĩ vừa ra trường đang có nhiều khả năng về nước hơn, nhất là trong hoàn cảnh khó kiếm việc lúc này. “Tôi tin rằng các dữ kiện của năm 2009 sẽ cho thấy có sự thay đổi rõ rệt,” theo lời Vivek Wadwha, tại trường kỹ thuật Pratt School thuộc đại học Duke University, người từng lớn tiếng cảnh cáo về mối đe dọa của việc sinh viên ngoại quốc khi tốt nghiệp sẽ trở về nước, ảnh hưởng đến khả năng phát kiến của kỹ nghệ Hoa Kỳ- bởi một lý do dễ thấy là không có nhiều sinh viên Hoa Kỳ muốn tiếp tục học lên tiến sĩ.

Trong năm 2007, có 16,022 người ngoại quốc được cấp bằng tiến sĩ trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật ở Hoa Kỳ, tức vào khoảng 46% tổng số. Thành phần sinh viên tiến sĩ ra trường năm 1997 có 12,966 người ngoại quốc, tức vào khoảng 30% tổng số.

Các sinh viên tiến sĩ trong chương trình tiến sĩ ngành khoa học và điện toán thường có ý hướng ở lại Hoa Kỳ hơn là những ngành khác, theo lời ông Finn. Các chương trình này thường có nhiều sinh viên từ Ấn Ðộ và Trung Quốc theo học, ở lại Hoa Kỳ nhiều hơn các sinh viên từ Ðài Loan, Nam Hàn và Tây Âu.

Trong số các sinh viên tiến sĩ tốt nghiệp năm 2002, có 92% người Trung Quốc, 81% người Ấn Ðộ vẫn còn ở Hoa Kỳ năm năm sau đó; trong khi đó chỉ có 41% người Nam Hàn và 52% người Ðức là còn ở nơi đây.

Cơ quan NSF mới đây cho hay con số sinh viên ngoại quốc nộp đơn xin học các chương trình hậu cử nhân cho các ngành khoa học và kỹ thuật lên đến con số kỷ lục là 158,430 người vào Tháng Tư năm 2009, tăng 8% so với năm trước.

Lê Tâm