Home Đời Sống Danh Nhân Ann Dunham - Người phụ nữ điển hình

Ann Dunham - Người phụ nữ điển hình PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 01 Tháng 6 Năm 2011 10:04

Tháng 11 năm 2008, lịch sử nước Mỹ và có lẽ là cả thế giới đã sang một trang mới khi lần đầu tiên người dân Mỹ đã chọn một người da màu làm tổng thống.

Một phụ nữ dũng cảm và hiện đại


 Ảnh bìa cuốn "A Singular Woman" của tác giả Janny Scott.

Ngay từ trước khi thượng nghị sĩ Barack Obama được bầu làm tổng thống, người ta đã tò mò hỏi nhau về lai lịch ông, và nhất là người mẹ da trắng của ông.

 Những hình ảnh và câu chuyện về bà xuất hiện lần đầu trên trang bìa tờ New York Time vào đầu năm 2008 đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Nhưng vẫn còn quá nhiều điều người ta chưa biết về bà, về ảnh hưởng mà bà có đối với vị tổng thống của nước Mỹ tương lai.

Những điều này có thể đã được giải đáp phần nào trong cuốn sách mới xuất bản về bà có tên gọi tạm dịch ‘một người phụ nữ điển hình’ của ký giả báo New York Times, Janny Scott. Tạp chí phụ nữ tuần này xin giới thiệu tới quý thính giả đôi nét về cuốn sách này.

Bà là Stanley Ann Dunham nhưng thường được biết với cái tên mang nhiều nữ tính hơn là Ann Dunham, là con gái duy nhất trong một gia đình người Mỹ da trắng ở một thị trấn nhỏ thuộc bang Kansas, miền trung nước Mỹ.

Cuốn sách của tác giả Janny Scott nói về Ann Dunham được bắt đầu bằng những ký ức của những người thân của bà từ khi bà chưa ra đời và tiếp tục qua những lời kể của những người bạn, họ hàng, và con cái của bà về một quãng đời hơn 50 năm đầy những biến động và nhiều ước mơ.

Janny Scott bắt đầu viết cuốn sách vào năm 2008, sau khi bài viết của bà về Ann Dunham xuất hiện trên tờ New York Time nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đọc giả. Tác giả Janny Scott cho biết:

"Phản hồi của bạn đọc về bài báo thật đáng kinh ngạc vì người đọc rất thú vị khi đọc về bà, họ rất quan tâm đến cuộc sống đầy khác biệt của bà, họ cũng thấy ở đó những nét của tổng thống và ở đó họ hiểu thêm về tổng thống của mình theo cách mà họ chưa từng hiểu trước đó.

Cũng bởi những hồi đáp từ bạn đọc nhiều như vậy nên tôi được đề nghị viết một cuốn sách về bà. Tôi rất ngạc nhiên khi ông tổng biên tập đề nghị tôi viết cuốn sách này. Tôi nghĩ đây là một dự án thú vị về một cuộc đời thú vị mà chúng ta không nhiều người biết vào lúc đó."

Để viết được cuốn sách này, Janny Scott đã gặp và nói chuyện với khoảng 200 người, đọc hàng ngàn trang tài liệu về Ann Dunham. Điều khiến tác giả Janny Scott ấn tượng nhất về Ann là những lựa chọn mà Ann Dunham đưa ra cho cuộc đời mình, những lựa chọn mà tác giả Janny Scott miêu tả là hết sức khác thường và có tính đột phá. Tác giả nói:

"Rất nhiều lần trong cuộc đời mình, bà chọn làm các việc rất khác biệt với mọi người nhưng lại có tính tiên phong, tôi đã tò mò muốn biết tại sao bà lại chọn như vậy, bà có suy nghĩ, tình cảm ra sao. Tôi thấy là bà là người hết sức thú vị và dũng cảm."

Thông minh, dũng cảm, suy nghĩ hiện đại và có chút gì phiêu lưu có thể nói là những nét điển hình mà người đọc tìm thấy ở Ann Dunham trong cuốn sách này. Người ta nhìn thấy những điều này qua các lựa chọn của Ann Dunham ngay từ khi bà mới 17 tuổi và trong suốt quãng đời gần 40 năm sau đó của bà được tác giả Janny Scott tóm gọn trong lời giải thích sau đây:

“Rất nhiều lần trong cuộc đời mình, bà chọn làm các việc rất khác biệt với mọi người nhưng lại có tính tiên phong. Tôi thấy là bà là người hết sức thú vị và dũng cảm.

Tác giả Janny Scott"Bà có thai khi mới 17 tuổi với một người đàn ông châu Phi và quyết định kết hôn với ông khi mới 18 tuổi. Lúc đó có đến khoảng 20 bang nước Mỹ có luật cấm kết hôn khác chủng tộc. Và khi ở độ tuổi khoảng ngoài 20, bà mang theo cậu con trai 6 tuổi sang Jakarta, Indonesia chỉ 2 tháng sau vụ đảo chính và chống đảo chính với những tàn sát đẫm máu xảy ra ở nước này.

Sau đó bà đi làm nghiên cứu về nhân chủng học ở các làng nhỏ ở Java và đặc biệt nghiên cứu về nghề làm rèn ở Indonesia, một nghề của đàn ông ở đây.

Thường thì bà làm các nghiên cứu về phụ nữ nhưng với nghề rèn, thì bà làm việc với những người đàn ông Indonesia. Cuối cùng bà tham gia và các dự án cho vay vốn nhỏ, một loại hình trở nên phổ biến sau này trên thế giới nhưng còn mới mẻ vào lúc đó."

Tham gia hoạt động xã hội

Cuộc đời của Ann là một quãng đời đầy những dịch chuyển. Khi mới 14 tuổi, Ann đã theo cha mẹ mình chuyển hết từ tiểu bang này sang tiểu bang khác của nước Mỹ, từ Kansas đến California, Texas, Washington, để rồi cuối cùng là Hawaii.

Thế nhưng hai nơi mà Ann đã sống phần lớn thời gian cuộc đời mình và cũng để lại nhiều dấu ấn nhất là Hawaii và Indonesia.

 

 Bà Ann Dunham cùng cha của mình và hai con vào khoảng giữa năm 1970. Photo courtesy of wikipedia.org

 

Ann Dunham đến Hawaii khi mới 17 tuổi và theo học ngành nhân chủng học tại trường đại học Hawaii.

 Tại đây bà đã gặp hai người chồng tương lai của mình là Barrack Hussein Obama đến từ Kenya, cha của vị tổng thống tương lai của nước Mỹ, và người chồng thứ hai đến từ Indonesia là Lolo Soetoro, cha của người con gái út Maya của bà.


Cũng tại Hawaii, bà chào đón cậu con trai đầu tiên của mình, Barrack Obama mà lúc nhỏ bà thường gọi là Barry. Là sinh viên đang theo học đại học, lại có con nhỏ, Ann Dunham đã phải trông cậy vào sự giúp đỡ của cha mẹ mình để chăm sóc cậu con trai nhỏ, giúp bà hoàn tất chương trình học cử nhân.

 Sau đó bà theo học thạc sĩ và đến năm 1967 thì mang theo Barry, lúc đó mới 6 tuổi sang Indonesia đoàn tụ với người chồng thứ hai của mình.

Indonesia có thể coi là quê hương thứ hai của Ann Dunham, nơi bà đã sống phần lớn thời gian quãng đời trưởng thành của mình. Đây là nơi bà đã làm các nghiên cứu cho bằng tiến sĩ nhân chủng học của mình.

 Bà đã sống cùng với người dân ở các làng thuộc đảo Java. Bà nói chuyện với họ bằng tiếng Indonesia. Đây cũng là nơi mà bà đã làm việc cho các dự án về phụ nữ và cho vay vốn nhỏ giúp người nghèo.

Cuộc đời của Ann Dunham là cuộc đời của những hoạt động xã hội, và cộng đồng tại các nước đang phát triển ở châu Á như Indonesia, Pakistan, Ấn độ.

Điều này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hai người con của bà, mà đặc biệt là người con trai đầu, Barry của bà. Mặc dù chỉ sống với Barry trong 12 năm đầu đời của ông, ảnh hưởng của Ann Dunham lên những quyết định của vị tổng thống tương lai sau này cũng thể coi là chủ yếu. Tác giả Janny Scott nói:

"Chúng ta nhìn thấy nhiều dấu ấn của bà trong tổng thống. Chính tổng thống cũng nói rằng việc ông quyết định tham gia vào các hoạt động xã hội lúc đầu đời là có phần ảnh hưởng chủ yếu của bà, đó là những giá trị mà bà đã truyền dạy cho các con của mình từ khi còn nhỏ.

“Chính tổng thống cũng nói rằng việc ông quyết định tham gia vào các hoạt động xã hội lúc đầu đời là có phần ảnh hưởng chủ yếu của bà, đó là những giá trị mà bà đã truyền dạy cho các con của mình từ khi còn nhỏ./ Tác giả Janny Scott

Điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm trong đời là giúp những người khác và làm việc vì các cơ hội cho những người không có may mắn được có các cơ hội đó.

Ngoài ra tôi cũng nhớ là tổng thống đã nói là ông chịu ảnh hưởng từ suy nghĩ của bà là giữa con người với nhau, chúng ta có nhiều sự tương đồng hơn là sự khác biệt và hoàn toàn có thể kết nối với nhau qua những cách biệt lớn dù đó là sự khác biệt về văn hóa, hay chủng tộc, và hoàn toàn có thể dịch chuyển những khác biệt đã chia rẽ chúng ta.

Đó chính là cuộc đời bà và cũng là thông điệp chính trị mà tổng thống mang theo trong những năm đầu xuất hiện trước công chúng.

Một vài người nói với tôi rằng đạo đức của bà trong lao động cũng ảnh hưởng đến tổng thống. Bà đã làm việc hết sức chăm chỉ và nhấn mạnh điều này cho con cái mình biết."

Tự hào về các con

  Tổng thống Barrack Obama. Photo courtesy of whitehouse.gov

Ann Dunham rất yêu các con mình và bà đặc biệt tự hào về cậu con trai cả Barry.

 Những bạn bè bà còn nhớ khi Barry con nhỏ bà thường nói Barry rất sáng dạ và cậu sẽ thành công sau này kể cả việc trở thành tổng thống của nước Mỹ.

Bà đã rất buồn khi phải gửi Barry về lại nước Mỹ với ông bà ngoại khi cậu 13 tuổi. Nhưng theo Ann thì bà đã có một quyết định đúng để giúp Barry hòa nhập lại với nước Mỹ sau một thời gian sống ở nước ngoài.

Mỗi năm, dù công việc bận rộn đến đâu, bà cũng đều dành thời gian vào các ngày lễ để trở về Hawaii thăm con trai.

Ann đã lao động vất vả cho đến tận cuối đời mình. Những năm tháng cuối đời khi phát hiện bị ung thư dạ con, Ann vẫn còn đang bận rộn với dự án giúp bộ về vai trò của phụ nữ tại Indonesia. Bà phải quay trở lại Mỹ để điều trị với hy vọng căn bệnh sẽ được chữa trị dứt điểm để bà có thể quay trở lại Indonesia tiếp tục công việc của mình.

Nhưng bà đã không thể quay lại làm tiếp công việc của mình. Căn bệnh ung thư của bà khi được phát hiện đã ở vào giai đoạn cuối và mọi can thiệp của y học đã không thể giúp gì.

Ann Dunham qua đời ở tuổi 52 tại một bệnh viện ở Hawaii khi cô con gái Maya đang ngồi bên cạnh giường và đọc cho bà nghe câu chuyện cổ dân gian về một người biến thành chim và con chim cất cánh bay đi.

13 năm sau khi Ann Dunham qua đời, cậu con trai Barry ngày nào của bà, nay là Barrack Obama trúng cử tổng thống. Bà đã không thể sống để nhìn thấy ngày này, nhưng tác giả Janny Scott cho rằng bà sẽ hẳn rất tự hào:

"Bà đã tin vào ông ngay từ khi ông còn rất trẻ, bà nghĩ ông là người có tài và bà đã nói với nhiều người khi ông còn nhỏ là ông thông minh, và đặc biệt đến nỗi ông có thể trở thành tổng thống.

 Cho nên tôi nghĩ nếu bà còn sống mà chứng kiến ông thành tổng thống thì điều đầu tiên mà bà cảm nhận, đó là tự hào vô cùng dù có thể bà không hoàn toàn đồng ý với ông nhiều điều. / Tác giả Janny Scott

Tôi nghĩ bà không muốn ép mình gây ảnh hưởng quá nhiều vào cuộc sống của các con khi họ trưởng thành. Tôi nghĩ nếu bà còn sống đến giờ chắc chúng ta cũng chả thấy bà nhiều ở Washington hay ở Nhà Trắng."

Cuốn sách về Ann Dunham khép lại với hình ảnh cô con gái Maya cùng những người thân trong gia đình mang tro của Ann rải xuống biển như để linh hồn bà được tiếp tục chuyến đi chưa trọn của cuộc đời bà, chuyến đi của một người phụ nữ bình dị mà lại đặc biệt như chính tiêu đề của cuốn sách viết về bà ‘a singular woman’.