Home Đời Sống Tài Liệu Ðề nghị Quy chế Trung lập Pháp lý Vĩnh viễn Cho Việt Nam

Ðề nghị Quy chế Trung lập Pháp lý Vĩnh viễn Cho Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Giáo Già   
Thứ Năm, 19 Tháng 5 Năm 2011 12:52

Trong buổi Hội Luận Chính Trị Tại Quốc Hội Hoa Kỳ Ngày 5 tháng 10 năm 2010.

Ðầu tuần qua, Thứ Hai, 27/9/2010, vào lúc 3:45 chiều, tại phòng họp HC-6 của tòa Quốc Hội Hoa Kỳ, phái đoàn Ðảng Tân Ðại Việt gồm 2 Phó Chủ Tịch I và II Lê Minh Nguyên và Hoàng Nhứt, cùng Ủy viên Kế Họach Phạm Ðức Duy, và ông Hồ Trung, đã tham dự buổi sinh hoạt chánh trị, nhân dịp đánh dấu 61 năm ngày Trung Cộng thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa [1 tháng 10 năm 1949] bằng bạo lực và lừa dối, đánh dấu 61 năm người dân Trung Hoa bị trầm luân trong thảm nạn độc đảng độc tài; nhằm mục đích lên án các tội ác do Trung Cộng gây ra; và bày tỏ lòng thương tiếc các nạn nhân của guồng máy chuyên chế khổng lồ này; nhứt là để thúc đẩy các phong trào tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Trung Quốc và các nước châu Á.


Buổi sinh hoạt chánh trị này gồm có 2 phần:


• Họp Báo và Ra Mắt Sách do một số các chánh đảng và tổ chức đấu tranh cho dân chủ cho các nước Á Châu cùng hợp tác tổ chức;
• Cuộc Hội Luận Chính Trị do Liên Minh Dân Chủ Á Châu (Asia Democracy Alliance) tổ chức với chủ đề về nhân quyền và dân chủ tại châu Á.
Ðồng tham dự tổ chức buổi Họp Báo có các đoàn thể tranh đấu cho tự do dân chủ tại Trung Hoa và châu Á như:


o Ngụy Kinh Sinh Foundation;
o Free China Movement Foundation;
o Overseas Chinese Democracy Coalition;
o US Tibetan Dhokham Chushi Gangdruk (DCG);
o League of Chinese Victims;
o Chinese Freedom and Democracy Party;
o Global Service Center for Quitting CCP…


Tiếp sau lời chào mừng quan khách của Ông Ngụy Kinh Sinh [Chủ Tịch Liên Minh Dân Chủ Á Châu]; ông Kama Namgyal, Chủ Tịch tổ chức DCG, lên tiếng nói về sự đàn áp của Trung Cộng đối với đất nước Tây Tạng hơn nửa thế kỷ qua với những phương thức tinh vi và mới mẻ nhứt. Dịp này, Bà Ge Defang, Giám Ðốc của liên đoàn League of Chinese Victims, trưng bày nhiều dữ kiện và hình ảnh thương tâm của những nạn nhân của chế độ độc tài Trung Cộng. Riêng Ông Ni YuXian, Chủ Tịch đảng Chinese Freedom and Democracy, trong lời phát biểu của mình đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cổ xúy dân chủ và nêu lời cảnh tỉnh đừng nên đặt hy vọng vào Ðảng Cộng sản Trung Quốc.


Ðồng thời, ấn bản Hoa Ngữ [có cả hai loại chữ Trung Hoa truyền thống và giản thể] của cuốn sách “Lessons in Democracy” (Những bài học Dân Chủ) của tác giả Roland Watson [và bà Ciping Huang đồng tác giả], người sáng lập Dictator Watch, một tổ chức có nhiều hoạt động tranh đấu tích cực cho dân chủ tại Miến Ðiện, cũng được trình làng. Ðược biết, trước đây, sách “Những bài học Dân Chủ” đã được dịch sang các tiếng Miến Ðiện, Ndebele và Shona của Zimbabwe, cũng như tiếng Azerbaijani; nhằm mục đích giới thiệu “dân chủ” đến với người dân phải sống trong những chế độ độc tài, thiếu dân chủ. Ðây là một công trình giá trị cần được phổ biến rộng rãi, vì nó có thể giúp những người dân xa lạ với dân chủ có thể hiểu thế nào là dân chủ, cùng những trách nhiệm của những vai trò trong định chế dân chủ và những thách đố của nó.


Buổi họp báo và ra mắt sách được điều khiển bởi ông Ning Ye, Chủ Tịch của Free China Movement; và có sự tham dự đông đảo của các tổ chức đấu tranh cùng các giới truyền thông như đài RFA, Epoch Times, New Tang Dynasty Television (NTDTV), v.v…


Sau cùng, là cuộc Hội Luận về Dân Chủ và Toàn Trị do Liên Minh Dân Chủ Á Châu tổ chức, với sự yểm trợ của các chánh đảng chánh trị người Trung Hoa, các tổ chức đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại châu Á…; điều khiển bởi Bà Ciping Huang, Giám Ðốc điều hành Ngụy Kinh Sinh Foundation.


Trong phần nầy, được sự ủy nhiệm của Ban Lãnh đạo Ðảng Tân Ðại Việt, Ủy viên Kế hoạch Phạm Ðức Duy, một thành viên trẻ trong Ban Lãnh Ðạo, đã lên diễn đàn thuyết trình các vấn đề liên quan đến Việt Nam [xem hình]. Do thời gian có hạn, ông chỉ nói được với các nhà tranh đấu dân chủ Á Châu vài nét về Ðảng Tân Ðại Việt, về mục đích tranh đấu của Ðảng trong nỗ lực đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam, đấu tranh xây dựng một quốc gia độc lập theo thể chế tự do, dân chủ pháp trị. Ông đã chia sẻ với mọi người có “cùng cái nhìn về tự do và dân chủ tại Trung Quốc nói riêng và Á Châu nói chung”, đặc biệt với của những tổ chức có mặt; và tóm gọn nội dung trong 2 phần chánh, gồm:


1. Nhu cầu thiết lập chế độ dân chủ tự do cho Việt Nam;
2. Kêu gọi mọi người tham dự ủng hộ một Quy chế Trung lập Pháp lý Vĩnh viễn cho Việt Nam được quốc tế và các cường quốc công nhận.


Ông đã dùng lịch sử cận đại Việt Nam, từ thời pháp thuộc đến cuộc chiến quốc cộng Nam Bắc, và 35 năm Cộng sản Việt Nam độc tài thống trị đất nước tới nay, để nói lên rằng trong hiện trạng “toàn cầu hóa” chỉ một Việt Nam thực sự tự do và dân chủ với một quy chế trung lập pháp lý vĩnh viễn được quốc tế công nhận mới có thể tạo được một môi trường thuận lợi nhứt cho tất cả mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, tận dụng được hết khả năng của mình, và những tài nguyên sẵn có, để phát triển đất nước trong hòa bình. Ðược vậy, Việt Nam, không những không là mối đe dọa, mà còn đóng góp phần lớn cho sự thịnh vượng chung của vùng châu Á. Nó sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những bất ổn hiện nay tại biển Ðông, ngõ hầu đem lại hòa bình an ninh cho toàn vùng.


Theo dõi vấn đề “Quy chế Trung lập Pháp lý Vĩnh viễn cho Việt Nam được quốc tế và các cường quốc công nhận” được Phạm Ðức Duy trình bày người viết nghĩ ngay tới chủ trương của Giáo sư Vũ Quốc Thúc với “Ủy Ban vận động quy chế Trung Lập Vĩnh Viễn cho Việt Nam” do ông làm Chủ tịch trong nỗ lực vận động để Việt Nam có được quy chế Trung Lập Vĩnh Viễn theo quốc tế công pháp.


Nó cũng nhắc người viết nhớ lại bài viết “Việt Nam và Giải Pháp Trung Lập” được cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cho đăng trên báo Tự Do Dân Bản số 2, phát hành ngày 15/9/1981; sau đó, được nhà xuất bản Mekong-Tỵnạn cho in lại trong cuốn DI CẢO 3, được nhà xuất bản Mekong-Tỵnạn ấn hành năm 1992, nhân ngày giỗ năm thứ 2 của cố giáo sư, được tổ chức tại San Jose, California [28/7/1992].


Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, qua những dữ kiện lịch sử được dẫn chứng đầy đủ và rõ ràng, đã cho thấy:
“Nước Áo… đưa ra một Tuyên Ngôn xác nhận là mình theo qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn, rồi sau đó ghi lời xác nhận này trong Hiến Pháp ngày 26 tháng 10 năm 1955” (sách đã dẫn; trang 117-118).


Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng cho biết thêm là:


“Từ đó đến nay nước Áo đã noi đúng qui chế trung lập pháp lý và qui chế này cũng được các cường quốc Tự Do và Cộng Sản kính nể. Ðó cũng là vì nước Áo theo chế độ dân chủ tự do nên việc làm của chánh phủ được dân chúng và các cường quốc theo dõi dễ dàng, thành ra nhà cầm quyền Áo khó lén lút vi phạm qui chế trung lập. Mặt khác, qui chế ấy mang nhiều mối lợi cho dân Áo nên các chánh đảng Áo đều thành thật chấp nhận nó. Vậy, sự trung lập hóa nước Áo có thể xem như là một tiền lệ tốt đẹp cho sự giàn xếp êm đẹp giữa Nga và các cường quốc tây phương để hóa giải sự tranh chấp trên một vùng đất quan trọng cho cả đôi bên. Nhưng sự thành công của việc trung lập hóa nước Áo chỉ đạt được nhờ một điều kiện tiên quyết là việc áp dụng chế độ dân chủ tự do ở nước Áo” (sách đã dẫn; trang 118).


Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng viết thêm:


“…ta lại có thể thấy rằng người Thụy Sĩ đã đạt những kết quả tốt đẹp trong việc theo qui chế trung lập pháp lý vĩnh viễn từ hơn 160 năm nay [tính tới 1981] cũng nhờ họ áp dụng chế độ dân chủ bên trong nước họ” (sách đã dẫn; trang 119).


Chính cố Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, lúc còn sanh tiền, cũng đã tâm sự với người viết rằng ông đã dùng tài liệu trong bài viết của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trong cuốn Di Cảo 3 khi thuyết trình về “Tương Lai Việt Nam” ở Úc Ðại Lợi [xin lỗi người viết không còn nhớ rõ thời gian, địa điểm và chính xác đề tài thuyết trình].


Từ cuộc Hội Luận về Dân Chủ và Toàn Trị, qua phần thuyết trình của Phạm Ðức Duy ở tòa Quốc Hội Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn nêu trên, từ chủ trương của Giáo sư Vũ Quốc Thúc, và từ bài viết của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy 19 năm trước, người viết nghĩ ngay tới những chuyển biến thời cuộc toàn cầu trong thời gian vừa qua, để thấy viễn kiến của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy càng lúc càng thêm ứng nghiệm.


Thật vậy, sau nhiều năm dư luận tưởng như Mỹ bỏ rơi Thái Bình Dương cho Trung Cộng tung hoành, làm ngơ cho Trung Cộng ngang ngược uy hiếp Việt Nam, khiến Trung Cộng coi đám cầm quyền Việt Nam như những Thái thú khiếp nhược, coi đất nước Việt Nam như lãnh thổ của Trung Hoa, biến lãnh hải Việt Nam thành lãnh hải Trung Hoa, vẽ cái “lưỡi bò” liếm hết biển đông… thì bất ngờ Bà bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hillary R. Clinton thân chinh đi Việt Nam; để trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 23/7/2010 thẳng thắn tuyên bố:


“Hoa Kỳ xem việc tự do lưu thông, tự do lui tới và sự tôn trọng luật lệ quốc tế trên Biển Ðông phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ”.


Bà cũng không ngần ngại nói rằng:


“Hoa Kỳ ủng hộ các cuộc thương thuyết đa phương để giải quyết các tranh chấp về Biển Ðông”.


Chưa hết, Hoa Kỳ còn cho chiếc hàng không mẫu hạm George Washington, vừa tham dự cuộc tập trận trên miền Bắc, ngoài khơi bờ biển Nam Hàn, chạy xuống Biển Ðông, đi qua vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (nơi Trung Quốc từng tuyên bố thuộc chủ quyền của Trung Quốc) cách bờ biển Việt Nam khoảng 200 hải lý, đón nhận bộ đội và viên chức Việt Nam từ Ðà Nẵng được máy bay Hoa Kỳ đưa ra thăm viếng, và xem diễn tập. Ðã vậy, chiến hạm USS John S. McCain còn đến cảng Ðà Nẵng được Cộng sản Việt Nam tiếp đón nồng hậu.


Ngoài ra, tin được AFP phổ biến cũng cho biết thêm là mở đầu hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN lần hai tại New York, Tổng thống Barack Obama đã long trọng tuyên bố với các nhà lãnh đạo Ðông Nam Á rằng:


“Với tư cách là Tổng thống, tôi tuyên bố một cách rõ ràng là Hoa Kỳ có ý định đóng vai trò quan trọng tại châu Á. Hoa Kỳ đã tăng cường các liên minh cũ, đẩy mạnh quan hệ với đối tác mới… như với Trung Quốc, và một lần nữa chúng tôi tham dự vào quan hệ với các tổ chức cấp vùng, trong đó có ASEAN với 10 nước thành viên, gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei, Miến Ðiện, Cam-bốt và Lào ‘đang giữ một vai trò quyết định trong khu vực và có thể trở thành một thế lực tích cực trong việc điều hành các vấn đề trên thế giới’.” [xem bản đồ các nước thành viên trong khối Asean và hình Tổng Thống Mỹ Barack Obama (đứng giữa) chụp lưu niệm với lãnh tụ 10 nước Hiệp Hội Ðông Nam Á (ASEAN) hôm Thứ Sáu, 24 tháng 9 năm 2010 ở New York. (Hình: AP Photo/Susan Walsh)


Ngoài ra, điểm 18 của Bản Thông Cáo chung Hoa Kỳ-ASEAN [dài 5 trang giấy với 25 điểm], công bố hôm Thứ Sáu, 24/9/2010, ở New York, trong cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Hoa Kỳ và ASEAN, viết:


“Chúng tôi tái khẳng định sự quan trọng của hòa bình khu vực, an ninh hàng hải, các hoạt động thương mại không bị cản, và tự do hải hành, dựa theo các nguyên tắc của luật lệ quốc tế đã được thế giới công nhận, kể cả Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) và các luật hàng hải quốc tế khác, cũng như dàn xếp ôn hòa tất cả các tranh chấp”.


Bản thông cáo chung này cũng viết:


“Chúng tôi hoan nghênh ý kiến nâng mức độ đối tác của chúng ta lên thành đối tác chiến lược và sẽ coi nó là điểm chú tâm chính yếu của Nhóm Nhân Sĩ Nổi Bật (Eminent Persons Group – là một tổ chức được ASEAN thành lập vào cuối năm 2005 qui tụ 10 chuyên gia của 10 nước, đóng vai trò cố vấn cho tổ chức) của hai bên và họ sẽ phát triển cụ thể đưa ra các khuyến cáo thực tế vào cuối năm 2011. Chúng tôi chờ một kế hoạch hành động 5 năm cho giai đoạn 2011-2015”.


Nhìn lại lịch sử cổ Trung Hoa thời Chiến Quốc mọi người hẳn không quên chuyện 6 nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề để thấy rằng tính chung tổng số lãnh địa, nhân lực, tài lực của họ vượt trội hơn nước Tần rất nhiều, nhưng họ chẳng những không đoàn kết nhau mà lắm khi lại còn hiềm khích nhau, khiến Tần dễ dàng tìm cách diệt trước nước Hàn (230 tr. CN), rồi tiếp đó là Triệu (228 tr. CN). Ba năm sau, Tần diệt Ngụy (225 tr. CN). Ðể rồi 3 nước Sở, Yên và Tề chỉ trong 3 năm liên tiếp: 223, 222 và 221 tr.CN là bị Tần nuốt gọn!


Từ đó, nhìn về thân phận Việt Nam, người theo dõi thời cuộc không ai tránh khỏi bàng hoàng khi nghe Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng sản Việt Nam, nói trong cuộc phỏng vấn của báo Akahata [tờ báo của đảng Cộng Sản Nhật Bản, và được báo Quân Ðội Nhân Dân Hà Nội đăng tải ngày Thứ Hai 27 tháng 9 năm 2010] rằng:


“Việt Nam không hợp tác quốc phòng với Mỹ hay bất cứ nước nào để chống Trung Quốc và Việt Nam cũng không có ý định chống Trung Quốc… Việc nói Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ để chống Trung Quốc gây phương hại đến quan hệ Việt-Trung, gây phương hại đến hoà bình, ổn định khu vực, và gây phương hại đến lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ðó là ý kiến không đúng đắn và thiếu thiện chí”.


Không những Vịnh nói “Việt Nam không có lợi ích gì khi chống Trung Quốc” mà hơn nữa Vịnh còn ca ngợi “Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp”. Còn nhớ, hồi tháng 3 Vịnh đã đến Bắc Kinh gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng Lương Quang Liệt, và Thứ Trưởng Quốc Phòng Mã Hiểu Thiên của Trung Cộng; và tháng 8 vừa qua ông lại đi Bắc Kinh để một lần nữa triều kiến 2 ông này [xem hình Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt (phải), tiếp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng sản Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. (Nguồn: THX/TTXVN)]. Giới quan sát quốc tế cho rằng ông Vịnh đến đó để cố mời ông Liệt tới Hà Nội dự cuộc họp cấp Bộ Trưởng Quốc Phòng Mở Rộng (ADMM+8) vào ngày 12 tháng 10 năm 2010. Lúc nào Vịnh cũng xác nhận lập trường 3 không từng được ông lên tiếng khi sang Bắc Kinh, trong nhiều dịp khác nhau, như được chỉ đạo bởi Bộ Chánh trị, mà tương lai chiếc ghế Bộ trường Quốc phòng chắc chắn sẽ về tay mình; đó là:


1. Không tham gia các liên minh quân sự, hoặc là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào;
2. Không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam;
3. Không dựa vào nước này để chống nước kia.


Chỉ vài động thái được trình bày cũng đủ cho thấy rõ ràng là Hoa Kỳ đã chánh thức quay lại biển Ðông trong tư thế của một cường quốc quân sự lẫn kinh tế, đi trước tư thế cường quốc chánh trị và văn hóa; và đang sốt sắng đảm nhận tư thế ủng hộ một khu vực hàng hải chung, mà không phải là một lãnh thổ biển, một chánh sách ngoại giao đa phương, giúp các chánh phủ ASEAN sẽ không phải một mình đương đầu với Trung Quốc, một chánh sách được nhiều nước trong khu vực hoan nghênh, thay cho thái độ của Trung Quốc cứ khăng khăng muốn giải quyết vấn đề với từng nước trong vùng Ðông Nam Á, với sự khiếp nhược đến độ nô lệ của Cộng sảnViệt Nam.


Nhưng, cho dầu thế nào, tất cả mọi vấn đề cần được cảnh giác là Hoa Kỳ chỉ muốn giải quyết mọi chuyện trên căn bản quyền lợi của Hoa Kỳ, chớ không giải quyết vì quyền lợi của từng nước trong vùng Ðông Nam Á, mà kinh nghiệm của Việt Nam trong cuộc chiến chống Cộng sản Bắc Việt xâm lăng Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, khi Hoa Kỳ đưa quân vào và khi Hoa Kỳ rút quân ra, là chỉ dấu chưa phai trong lịch sử; đặc biệt là trong mấy thập niên qua, khi nói theo “sấm ký” tân thời là “Mỹ đi rồi Mỹ lại về”, khi kẻ từng cao ngạo “đánh cho Mỹ cút” đang đi bằng đầu gối van xin Mỹ về lại Việt Nam để ban cho chúng chút “tiền còm”, kèm chút “văn hóa mê Mỹ”, giúp “cải tạo” Xã hội Chủ nghĩa, biến Xã hội Chủ nghĩa thành Tư bản Chủ nghĩa, cho dầu bọn lãnh đạo ngoan cố trong Bộ Chánh trị và Trung ương Ðảng vẫn giả vờ noi theo “tư tưởng” của kẻ nhận mình không có tư tưởng là “tội phạm Hồ Chí Minh” để gọi đó là “kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa”; giúp kẻ cựu thù thành “Tử bản Ðỏ”, thành “Quý tộc Ðỏ”, tham nhũng sa đọa, bất kể dân chúng có được tự do dân chủ, hay vẫn trầm luân trong độc đảng độc tài Cộng sản Việt Nam.


Do vậy, với Hoa Kỳ vấn đề căn bản là làm sao cho quyền lợi của Việt Nam song hành với quyền lợi của Hoa Kỳ, làm sao dung hòa được quyền lợi của cả hai bên, làm sao lãnh thổ Việt Nam không là thuộc địa của Tàu, và lãnh hải Việt Nam không là vùng biển của Tàu, để Tàu có trọn quyền tự tung tự tác. Từ đó, vấn đề được đặt ra là Hoa Kỳ giúp Việt Nam thoát khỏi vòng đô hộ của Trung Cộng; hay nói rộng hơn là giúp Việt Nam khỏi bị lệ thuộc vào bất cứ một thế lực nào có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Hoa Kỳ. Muốn được như vậy, phải vận động sao cho Việt Nam có được quy chế Trung Lập Vĩnh Viễn theo quốc tế công pháp, như người bạn trẻ Phạm Ðức Duy của Ðảng Tân Ðại Việt đã gợi ý trong phần thuyết trình ngắn gọn ở phòng HC-6 của tòa Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 27/9/2010 đầu tuần qua.


Phần Việt Nam, muốn được như vậy Việt Nam phải có chế độ dân chủ tự do như lời cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã trình bày; tức Việt Nam phải hoàn mãn cuộc đấu tranh “Dân Chủ Hóa”; hoàn mãn chế độ dân chủ tự do; hoàn mãn phương trình Nguyễn Ngọc Huy mà người viết đã nhiều lần đề cặp tới trong những lá Thư Cho Con.


Hẹn con thư sau,
Giáo Già