Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Thư Mục Chiến Tranh Việt Nam (Kỳ 2)

Thư Mục Chiến Tranh Việt Nam (Kỳ 2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Kỳ Phong   
Thứ Năm, 03 Tháng 12 Năm 2009 11:40

Dưới thời Tổng Thống John F. Kennedy, liên hệ VNCH-Hoa Kỳ sâu đậm hơn về mọi mặt, và như vậy, tài liệu, sách vở nhiều hơn.

Sau khi Bộ Tư Lệnh MACV được thành lập vào Tháng Hai, 1962, các cơ quan hà đơn vị phụ trách về quân sử bắt đầu thu thập và tàng trữ tài liệu về liên hệ Mỹ-Việt. Hai bộ sách U.S. Foreign Relations của Bộ Ngoại Giao về thời kỳ Kennedy, 1960-63; quyển II của William Gibbons; những huấn lệnh/nghiên cứu từ CIA-National Security Council trong tập CIA Estimative Products; và The Pentagon Papers, là những tài liệu không thể thiếu cho những nghiên cứu và tham khảo sâu rộng về Việt Nam trong giai đoạn quan trọng này.

Về loại hồi ký, Lost Victory, và Honorable Man: My Life with the CIA của William Colby; The Lost Crusade của Chester Cooper; The Storm Has Many Eyes của cựu Ðại Sứ Henry Cabot Cabot Lodge, là kinh nghiệm thật của những nhân chứng có liên hệ mật thiết đến VNCH hơn một thập niên. Trong Hororable Man của Colby có nói đến vài sự kiện trong vụ đảo chánh hụt năm 1960. Sách của các học giả như Ellen Hammer, A Death in November; George McT. Kahin, Intervention, trích dẫn nhiều tài liệu quan trọng được giải mật.

Sách của các ký giả, Robert Shaplen, Lost revolution; David Halberstam, The Best and the Brightest; William J. Rust, Kennedy in Vietnam; sử gia John M. Newman, JFK and Vietnam, nói về quan điểm và nhận định của chính phủ Hoa Kỳ về tình hình Việt Nam và chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Sách của Rust tường thuật nhiều chi tiết về cuộc đảo chánh năm 1963 theo lời kể của Lucien Conein.

 Tài liệu và huấn lệnh chánh thức của Hoa Kỳ về cuộc đảo chánh Tổng Thống Diệm nằm trong Foreign Relations of the United States, vol. 4, August-December 1963. CIA cũng đã giải mật nhiều tài liệu về cuộc đảo chánh trong văn khố của họ. Những tài liệu khác, không in thành sách, được lưu trữ ở hai Thư Viện Tổng Thống Kennedy và Johnson; và trong giấy tờ cá nhân của các viên chức chính phủ như Cố Vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy; Thứ Trưởng Ngoại Giao Roger Hilsman (Hilsman có viết một tác phẩm tựa là To Move A Nation, trong đó có một phần ngắn nói về những hai thái độ ủng hộ và chống Tổng Thống Diệm giữa những thẩm quyền trong nội các Kennedy; và quyết định đưa đến huấn lệnh cho phép đảo chánh mà ông là tác giả); hai chỉ huy trưởng tình báo CIA ở Sài Gòn là John Richardson và Peer de Silva; Phó Ngoại Trưởng George Ball; Thứ Trưởng Quốc Phòng Roswell L. Gilpatric; Tham Mưu Trưởng BTMLQ Earle Wheeler, cung cấp thêm nhiều dữ kiện khác.

Chương 7 của bộ sách BTMLQ, thời khoảng 1960-1968, nói đến hai thái thái độ khác nhau của giới quân sự và dân sự trong vụ đảo chánh 1963. Hồi ký Our Endless War của cựu Trung Tướng Trần Văn Ðôn, cho một cái nhìn từ một sĩ quan đã hoạch định và tham dự vào cuộc đảo chánh năm 1963.

Tài liệu quân sự liên hệ đến Việt Nam trong thời Kennedy thường nối liền với thời Tổng Thống Johnson. Quân sử Hoa Kỳ chia làm hai giai đoạn rõ rệt: giai đoạn cố vấn và giai đoạn trực tiếp tác chiến. Giai đoạn trực tiếp tác chiến bắt đầu vào Tháng Ba, 1965 khi Hoa Kỳ đưa hai tiểu đoàn TQLC đến Ðà Nẵng. Quân sử Hoa Kỳ được viết theo từng quân chủng; tương tự, tài liệu quân sự cũng được chứa ở các trung tâm quân sử riêng của mỗi quân chủng. Sách do Quân Lực Hoa Kỳ hiệu đính chính thức gồm: Lục Quân: phần lớn sách đến từ Trung Tâm Quân Sử Lục Quân (Center of Military History), một số khác đến từ Bộ Lục Quân (Department of the Army). Hải Quân, Trung Tâm Quân Sử Hải Quân (Naval Historical Center). Không Quân, Nha Quân Sử Không Quân (Office of Air Force History). TQLC: Ban Quân Sử và Bảo Tàng Viện Thủy Quân Lục Chiến (Marine Corps History and Museum Division).

 Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương và Bộ Tư Lệnh MACV có ấn hành một tường trình chung, Report on the War in Vietnam: June 1964-July 1968, do hai tư lệnh, Ðô Ðốc U.S. Grant Sharp, và Ðại Tướng William Westmoreland đồng ký tên. RiêngBộ Tư Lệnh MACV, từ năm 1966, xuất bản hàng năm một tường trình có tên, MACV Command History. Ðính kèm theo tường trình là phụ lục về những hoạt động tình báo quân sự (MAC-SOG, những điệp vụ đột nhập qua Lào, Bắc Việt, Cam Bốt, dọ thám đường xâm nhập Hồ Chí Minh) của Bộ Tư Lệnh.

Cho đến nay, chỉ một số nhỏ của những hoạt động này được giải mật. Từ những quân binh chủng nói trên, những bộ sách căn bản như, của Lục Quân: bộ sách The U.S. Army in Vietnam của Jeffrey J. Clarke và Ronald H. Spector; Hải Quân: A Short History of the U.S. Navy and the Southeast Asian Conflict: 1950-1975, của Edward J. Marolda và G.Wesley Pryce, III.

Tài liệu về hoạt động của cố vấn Hải Quân và TQLC cho Hải Quân và TQLC Việt Nam nằm trong hồ sơ có tên U.S. Naval Advisory Group. Tài liệu về TQLC Hoa Kỳ ở Việt Nam, ngoài bộ sách The U.S. Marines in Vietnam, hai bộ tài liệu, Command Chronology, và FMFPac (Fleet Marine Force Pacific/ Bộ Tư Lệnh TQLC Hoa Kỳ TBD), chứa nhiều chi tiết xuống tới cấp đại đội. Sách về Không Quân thì có những cuốn như, The U.S. Air Force in Southeast Asia: The Advisory Years to 1965, của Robert F. Futrell; The U.S. Air Force in Southeast Asia: An Illustrated Account, của Carl Berger.

Hồ sơ về dội bom, oanh kích ở Bắc Việt, Lào, Nam Việt Nam và Cam Bốt, được nói đến trong hai tác phẩm đó. Về các con số thống kê (tổng số phi vụ, hành khách, giờ bay), đọc The U.S. Air Force in Southeast Asia: Tactical Airlift. Các chương trình huấn luyện, trang bị Không Quân Việt Nam, nằm trong, Flying Dragons: The South Vietnamese Air Force, của Robert C. Mikesh.

 Ngoài ra, Không Quân Hoa Kỳ còn có một bộ tài liệu có tên Project CHECO (Contemporary Historical Examination of Current Operations), gồm từng tập tài liệu theo chủ đề của các hoạt động (yểm trợ hành quân Lam Sơn 719; chiến dịch dội bom bảo vệ Khe Sanh; các chiến dịch dội bom Barrel Roll, Linebacker; Commando Hunt; hủy diệt xe vận tải trên đường Hồ Chí Minh).

Ngoài những tác phẩm chính thức của quân chủng, hay được Bộ Tư Lệnh các quân chủng hiệu đính, hồi ký của các tư lệnh quân sự tham chiến ở Việt Nam là những tác phẩm quan trọng để hiểu ý nghĩ cá nhân của họ về cuộc chiến (tất cả đều đã giải ngũ khi xuất bản sách). Tư Lệnh BTL Thái Bình Dương Ulysses S. Grant Sharp, Strategy for Defeat; Tư Lệnh MACV William C. Westmoreland, A Sodier Reports; Ðại Tướng Bruce Palmer, Jr., The Twent-five Year War (Palmer là bạn đồng khóa với Westmoreland và Abrams, từng là Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ, Việt Nam, và Xử Lý Thường Vụ Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ) Tư Lệnh Quân Ðoàn III Thủy Bộ TQLC Trung Tướng Lewis W. Walt, Strange War, Strange Strategy; Tư Lệnh Không Lực 7/13, Ðại Tướng William Momyer, Air Power in Three Wars; Tư Lệnh Quân Báo MACV (Phòng 2, MACV) Trung Tướng Phillip B. Davidson, Vietnam at War: 1945-1975. Song song với những hồi ký cá nhân nó trên, một số sĩ quan cấp tướng khác cũng viết về kinh nghiệm của họ ở Việt Nam. Bộ sách này tương đương như loại tài liệu học tập cho từng chủ đề, do Bộ Lục Quân xuất bản (tất cả sĩ quan đều tại ngũ khi xuất bản sách). Vài tác phẩm điển hình như, Ðại Tướng Donn A. Starry, Mounted Combat in Vietnam (kỵ binh); Thiếu Tướng Leonard B. Taylor Financial Management of the Vietnam Conflict 1962-1972 (tài chánh); Chuẩn Tướng James Lawton Collins, Jr., The Development and Training of the South Vietnamese Army: 1950-1972 (huấn luyện); Thiếu Tướng Joseph McChristian, Intelligence (tình báo). Xem phần thư mục về các tác phẩm này.

Có nhiều sách viết về liên hệ chính trị và ngoại giao giữa VNCH và Hoa Kỳ; và Hoa Kỳ với CSVN, dưới thời Tổng Thống Johnson. Trước nhất là hồi ký của Tổng Thống Johnson, The Advantage Point: Perspectives of the Presidency 1963-1969, trong đó ông nói đến quyết định ngưng dội bom, những đàm phán bí mật, rồi công khai, với CSBV. Ðối với đa số sử gia Mỹ, Tổng Thống Johnson là người gia tăng và khuếch đại chiến tranh Việt Nam (Mỹ hóa cuộc chiến), nên nhiều sách viết về những quyết định của Tổng Thống Johnson như quyết định gởi quân tham chiến; quyết định dội bom/ngưng dội bom.

Quyết định quân sự đầu tiên của Tổng Thống Johnson khi vừa kế nhiệm cố Tổng Thống Kennedy; và những kế hoạch dọ thám miền Bắc vào đầu năm 1964, nằm trong Chương 8 của bộ sách BTMLQ, 1960-1968. Ðọc kèm với hồi ký của Johnson, là những quyển sách khác nói về tư cách cá nhân và hành vi của Tổng Thống Johnson. Lyndon Johnson and the American Dream của Doris Kearns, viết về đời sống và ý nghĩ của Johnson vào những năm cuối. Sách của bà Kearns đi sâu vào đời sống nội tâm và tánh tình của Johnson hơn những sách khác.

 Tác giả cũng là người phụ giúp Tổng Thống Johnson viết cuốn hồi ký của ông. The Tragedy of Lyndon Johnson, của Eric F. Goldman, cho thấy mặt trái về nhân cách của Johnson. Goldman là giáo sư sử ở Ðại Học Princeton và là chủ tịch Hội Sử Gia Hoa Kỳ khi được mời về làm Cố Vấn Ðặc Biệt cho Johnson.

Về sự nghiệp chính trị, cuộc tranh cử nghị sĩ vào năm 1948, và những nghi vấn chung quanh số phiếu đắc cử của Johnson, đọc Means of Ascent: the Years of Lyndon Johnson của Robert A. Caro. Caro là sử gia chuyên về Johnson. Ngoài cuốn đó, ông còn viết The Path to Power: The Years of Lyndon Johnson, cũng về cuộc đời chính trị của Johnson từ lúc là thượng nghị sĩ cho đến khi thành tổng thống.

 Về cuộc tranh cử Tổng Thống năm 1964 (Lyndon Johnson versus Barry Goldwater), đọc The Making of the President 1964 của Theodore H. white. White là ký giả lão thành, viết cho tuần báo Time từ thời Thổng Thống Roosevelt, rất có ảnh hưởng đến giới trí thức Mỹ. Bốn quyển viết về bầu cử tổng tống Mỹ trong các năm 1960, 1964, 1968, và 1972, là một bộ sách cần thiết để hiểu về chính trị - trong liên hệ đến chiến tranh Việt Nam - qua những kỳ bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. (Còn tiếp)