Home Phiếm Gã Siêu Quỹ đen

Quỹ đen PDF Print E-mail
Tác Giả: Gã Siêu   
Thứ Tư, 28 Tháng 7 Năm 2010 20:58

 Đó là số tiền được dành riêng để chi dùng một cách kín đáo, mà không cần phải ghi vào sổ sách hay tính toán chi cả.

Khi…”ngâm kíu” về tiếng Việt, gã nhận thấy như thế này : tiếng nước ta hơi bị nghèo về lãnh vực trừu tượng, chăng hạn như khoa học kỹ thuật, triết học và tâm lý…Các từ chuyên môn trong những lãnh vực này thường được dịch từ tiếng tàu.

Thế nhưng, tiếng nước ta lại rất giàu về tình cảm, chẳng hạn để tiễn tả thái độ không được hài lòng, thì tùy theo mức độ của nó, gã có thể ghi nhận : bực, tức, giận, dỗi và hờn…

Có lần một ông bạn người Pháp chính hiệu con gà trống “Gô loa” đang hoc tiếng Việt, đã nhờ gã dịch chữ…”hờn” sang tiếng “Phăng xe”. Gã cảm thấy rất bối rối, không biết phải chọn từ nào để mà dịch. Cuối cùng đành bó tay, phải cắt nghĩa một cách vòng vo tam quốc cho ông ta hiểu mà thôi.

Ngoài ra, tiếng nước ta vừa tượng thanh lại vừa tượng hình, rất cụ thể và lại giàu về hình ảnh. Chẳng hạn, cứ nhẩn nha đọc lại bài “Thu Điếu” của Nguyễn Khuyến, là đã thấy hình ảnh và âm thanh xuất hiện trong đầu óc :

    - Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
    Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
    Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Hay để diễn tả về màu trắng, thì tùy theo mức độ đậm nhạt, chúng ta có : trắng đục, trắng ngà, trắng bạc, trắng dã, trắng bong, trắng hếu, trắng nõn, trắng phau phau, trắng như trứng gà bóc.

Hôm nay, gã xin được tán hươu tán vượn về màu đen. Đây cũng là màu nói lên tính cách khác biệt giữa Đông phương và Tây phương. Thực vậy, để diễn tả nỗi đớn đau tang tóc khi có người thân yêu qua đời, bên Đông phương thường dùng màu trắng, còn bên Tây phương lại thường dùng màu đen.

Vậy đen là như thế nào ?

Theo định nghĩa thông thường thì đen có nghĩa là màu thẫm, màu tối, không được phản chiếu ánh sáng. Trái với đen là trắng. Cũng như màu trắng, tùy theo mức độ đậm nhạt, chúng ta có : đen sạm, đen sặm, đen giòn, đen kịt, đen bóng, đen lánh, đen ngòm, đen huyền, đen tuyền, đen thui, đen sì…

Hơn thế nữa, tùy theo đối tượng, chúng ta có được những tên gọi khác nhau để chỉ màu đen. Chẳng hạn : Lọ dành cho da mặt. Thâm dành cho môi và hàng vải. Mực dành cho lông chó. Mun dành cho lông cọp, lông beo và lông mèo. Ô dành cho lông gà, lông ngựa và lông chim…

Tương truyền rằng : Chức nữ là cháu gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, chuyên trông nom việc dệt vải, được gả cho Ngưu Lang. Sau khi lấy Ngưu Lang, Chức Nữ bắt đầu chểnh mảng công việc, liền bị Ngọc Hoàng Thượng Đế phạt, cho dời về phía đông sông Ngân Hà, mỗi năm chỉ cho gặp mặt Ngưu Lang một lần, đó là đêm thất tịch, mồng bảy tháng bảy.

Trong đêm ấy, tất cả chim quạ và chim khách, tức là chim ô và chim thước, hai loại chim đều có lông màu đen, kết thành nhịp cầu cho Chức Nữ và Ngưu Lang gặp nhau tại sông Ngân Hà. Nhịp cầu này được gọi là “ô thước kiều”, cầu ô thước. Cả hai mừng mừng tủi tủi, ôm lấy nhau mà khóc. Nước mắt rơi xuống thành những giọt mưa ngâu :

- Khi xưa ai biết ai đâu,
Vì chim ô thước bắc cầu sông Ngân.

Trong ngôn ngữ thường ngày, gã thấy người ta hay ghép tĩnh từ đen này với một vài danh từ, chẳng hạn sổ bìa đen là sổ ghi chép những người cần phải quan tâm với những tội trạng của họ.

Vào năm 1984, gã liên tục được công an chiếu cố, mời tới làm việc hoài. Mỗi lần một cấp khác nhau. Thế nhưng mỗi anh công an đều có một cuốn sổ, trong đó mọi lời nói, mọi việc làm của gã đều được ghi chép cẩn thận. Để bắt đầu làm việc, anh công an bèn mở sổ ra, rồi dựa vào đó mà hạch hỏi…

Ngày nay, trong những tai nạn máy bay thảm khốc, người ta thường hay nói tới chiếc hộp đen. Chắc hẳn đây là chiếc hộp màu đen, ghi lại những mẩu đối thoại giữa phi hành đoàn và các trạm không lưu. Dựa vào những lời được ghi lại ấy, người ta sẽ biết được nguyên nhân khiến cho máy bay bị lâm nạn : vì thời tiết, vì trục trặc kỹ thuật hay vì bị khủng bố…

Ngoài ý nghĩa cụ thể về màu sắc như trên, chữ đen bên tây cũng như bên ta, còn mang nhiều nghĩa bóng, nhiều ám chỉ khác nữa.

Đen là xui, là rủi. Trò đỏ đen là trò cờ bạc, vốn dựa trên những hên xui.

Đen là bi quan và buồn phiền, đau khổ và thất vọng, như khi chúng ta nói : những tư tưởng đen tối.

Đen là giận dữ, độc ác như khi chúng ta bảo : những ý đồ đen tối.

Đen là xấu bụng, tệ bạc, như khi chúng ta xác quyết : tình đời thay trắng đổi đen.

Đen là bậy bạ, khiêu dâm.

Tới đây, gã xin trình bày một vài cái “đen” đang được bàn dân thiên hạ nói tới, nhất là tại Việt Nam.

Thứ nhất là những trang Web đen.

Đó là những trang Web chuyên môn chuyển tải những hình ảnh khiêu dâm cho bàn dân thiên hạ chiêm ngắm. Những trang Web này thật ê hề và nhan nhản như nấm mọc sau cơn mưa. Một khi đã vô mạng, thì bất cứ gõ vào chữ nào, cũng thấy chúng xuất hiện. Chính vì lý do này, mà nhiều bậc cha mẹ, ngại mua sắm vi tính. Và nếu đã mua sắm thì lại ngại nối mạng, vì sợ con em mình, cố ý hay vô tình, lang thang vào những trang Web đen này.

Thứ hai là những quán cà phê…đen.

Cà phê đen ở đây không phải là cà phê phin, cái nồi ngồi trên cái cốc, để rồi được thưởng thức những giọt đắng tuyệt vời, làm sảng khoái tận tâm can tỳ phế, đúng với tiêu chuẩn cà phê quốc tế :

- Đen như thằng quỉ, nóng như hỏa ngục và lịm như tình yêu.

Những quán cà phê…đen ở đây chính là những ổ mại dâm trá hình, mà bất cứ thành phố nào cũng có. Một bài viết mới xuất hiện trên báo Công An Thành phố đã mô tả một quán cà phê “đen” như sau :

Theo chân anh bạn “thổ địa”, đầu tháng 10 năm 2006, chúng tôi vòng quanh đoạn đường có các quán cà phê “đen” để tìm hiểu thực hư. Từ cầu Tân Thuận rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh, sau ba phút, những quán cà phê trá hình đã xuất hiện trước mắt. Bất thình lình hai thanh niên từ quán PT nhảy ra vịn xe chúng tôi lại, mời vào uống…cà phê. Hai người, một mặc áo sơ mi trắng, một mặc áo carô sọc xanh, nở nụ cuời cầu hòa khi chúng tôi tỏ vẻ khó chịu :
- Vào quán em uống cà phê đi, ở đây có nhiều trò dzui lắm, em út chiều hết mình luôn.

Rơi vào tình thế đã đành, chúng tôi gượng gạo xuống xe. Anh bạn đi cùng rỉ tai :
- Hai người này làm nhiệm vụ giữ xe, lôi kéo khách và kiêm luôn cảnh giới.

“Má mì” của quán là một pêđê. Tưởng khách quen, gã tỏ ra vồn vã khi chúng tôi bước vào :
- Dạo này sao hổng thấy các anh tới chơi. Mấy con bé quán em cứ nhắc hoài.

Đúng như lời giới thiệu, vừa thoáng thấy bóng khách, hai cô gái đon đả tiếp cận, “dìu” vào trong. Trước mặt chúng tôi là những chiếc bàn uống cà phê đặt chỏng chơ, vắng tanh không có vị khách nào :
- Sao quán vắng thể ?

Nghe chúng tôi hỏi, hai cô gái chỉ tay về phía dãy nhà lá tối om cặp sát bờ tường.
- Sao giống cà phê…chòi quá vậy ?

Một trong hai cô đáp :
- Còn hơn cà phê chòi nữa.

Đến cửa đã thấy một cô gái khác chờ sẵn, tay cầm chiếc đèn pin nhỏ dẫn đường. Yên vị, chúng tôi gọi cà phê sữa đá, thì được trả lời :
- Các anh thông cảm, quán này chỉ bán nước ngọt thôi.

Lát sau, cô gái mang ra hai chai Number One rồi ngồi xuống gạ gẫm. Vờ như không để ý, tôi bắt đầu hỏi chuyện. Cô gái rỉ rả về lai lịch nơi đang làm việc : quán mới mở được vài năm. Ban đầu lượng khách chẳng bao nhiêu, chỉ có bốn người thế mà vẫn thường xuyên phải ngồi chơi xơi nước. Nhưng gần đây nam công nhân khu chế xuất Tân thuận có “nhu cầu” nhiều, nên quán liên tục phát triển…Ở đây người ta gặp gỡ, chọn hàng, ngã giá và rồi đi…tới bến!!!

Thứ ba là xã hội đen

Đây là những cá nhân, hay những băng đảng sống ngoài vòng phấp luật, được tổ chức theo kiểu “mafia”. Sẵn sàng dùng bạo lực như súng đạn, dao găm, mã tấu…để thanh toán kẻ thù, cũng như thanh toán lẫn nhau, theo luật giang hồ : răng đền răng, mắt thế mắt… Mỗi băng nhóm thường có một “ông trùm” hay một “đại ca”. làm sếp để chỉ huy bọn đàn em của mình. Những năm gần đây thấy nổi cộm lên những vụ án như Năm Cam ở Saigon, Hà Lê ở Nha Trang…

Thứ tư là chợ đen

Nói một cách đơn giản, chợ đen là nơi bán hàng lậu, hàng trốn thuế. Thị trường đen này dường như mỗi lúc một bành trướng và đáp ứng mọi nhu cầu của thượng đế là khách hàng, từ một dĩa phim mới toanh đến một cuốn bách khoa tự điển, từ một chai rượu tây đến một chiếc xe hơi đời mới…muốn mua gì cũng có, miễn là biết gõ đúng cửa và gặp đúng người.

Cách đây vài năm khi cuốn phim “Cuộc thương khó của Chúa Giêsu” vừa mới ra lò và được chiếu thử ở một vài nơi bên Mỹ, thế mà tại Việt Nam đã thấy bày bán dĩa phim này.

Cũng thế, khi chương trình XP của Microsoft, chưa được trình làng, thế mà tại Việt Nam, những người sử dụng vi tính đã được cài đặt chương trình này, mà chẳng tốn một đồng xu cắc bạc nào. Quả là nạn ăn cắp bản quyền ở đất nước này đã đạt tới trình độ…siêu đẳng!!!

Sau cùng là…quỹ đen.

Đó là số tiền được dành riêng để chi dùng một cách kín đáo, mà không cần phải ghi vào sổ sách hay tính toán chi cả. Những cái “đen” trên kia, nói theo ngôn ngữ nhà nước hiện nay, không ít thì nhiều, đều mang tính cách “vĩ mô”, nghĩa là có tầm mức to lớn. Còn quỹ đen mà gã muốn bàn ở đây là quỹ đen của các anh chồng, thì mang tính cách “vi mô”, nghĩa là có tầm mức nhỏ bé, chỉ ảnh hưởng tới gia đình, chị vợ và anh chồng mà thôi.

Gã nhớ hồi còn bé, mỗi khi xin tiền bố mẹ để đóng học phí, hay mua sắm sách vở, thế nào cũng được bố giảng cho một bài “luân lý giáo khoa thư” về giá trị của đồng tiền do mồ hôi nước mắt mới tìm kiếm được, cũng như về đức tính tiết kiệm trong việc chi tiêu : cái gì cần thì mua, cái gì xa xỉ thì không. Rồi sau đó mới xùy ra cho gã những đồng tiền còm.

Đôi khi các chị vợ cũng đối xử với các anh chồng hơi bị giống như là bố mẹ vậy. Điều đó có nghĩa là tiền vào thì dễ mà tiền ra thì khó. Chị vợ cũng hơi bị giống như ông nhà nước, chỉ có thu mà không có chi. Và nếu có chi, thì cũng phải trải qua những thủ tục rất là phức tạp : tiêu bao nhiêu, tiêu vào việc gì và việc ấy có chính đáng hay không, vân vân và vân vân.

Mỗi khi đem tiền lương về giao nộp đầy đủ, xem ra chị vợ nào cũng hớn hở và hồ hởi :

    - Cuối tháng tui mới lãnh lương,
    Vợ tui bỗng chốc dễ thương vô cùng.
    Về tới nhà, bả ôm hun,
    Bả nói lòng bả nhớ nhung quá trời.
    Xong rồi bả mới mở lời :
    Tiền lương cuối tháng em coi xem nào.
    Dứt lời, túi trước túi sau,
    Hai tay bả móc…tui đau đớn lòng.
    Chỉ vài ba phút là xong,
    Tiền trong tay bả, tui không còn gì.
    Thế rồi bả cất bước đi,
    Nét duyên khi nãy còn gì nữa đâu.
    Một tháng hai chín ngày sầu,
    Ngày vui duy nhất qua mau quá trời.
    (Trần Thành Nghĩa)

Kinh nghiệm cho thấy, trong mọi vấn đề thì vấn đề “đầu tiên” bao giờ cũng vẫn là vấn đề…”tiền đâu”. Ngay cả trong sinh hoạt thường ngày cũng vậy. Sau đây là một mẩu đối thoại giữa hai vợ chồng về chuyện chi tiêu trong gia đình.

Chị vợ lên tiếng hỏi :

    - Tiền lương mau hết quá đi,
    Anh tiêu những gì ? Em tính không ra !
    Để xem…sắm sẵn trong nhà,
    Bánh, trà, thuốc lá với cà phê ngon,
    Nào là rượu thuốc, bia lon,
    Đủ tiêu chuẩn ấy lo tròn cho anh,
    Trong nhà sẵn món ngon lành,
    Sao anh còn khoản tiêu nhanh ngoài lề ?
 
Anh chồng gãi tai trả lời :

    - Ra đường gặp gái…thì sang
    Về nhà gặp vợ hỏi han…hết giàu.
    Vợ ơi ! Đừng hỏi gắt gao,
    Lương anh đâu có được cao bằng người.
    Mà vào mấy chỗ “mát tươi”,
    Trăm đô mua lấy trận cười như không.
    Anh luôn ghi nhớ trong lòng,
    Những lời em đã khổ công dặn dò :
    Ra đường đừng phí tiền cho,
    Những gì được miễn phí no ở nhà.
    Lương anh mau hết chẳng qua,
    Vì con nhà lính tính nhà quan trên,
    Bạn bè lui tới, xuống lên,
    Chén thù, chén tạc cho nên tốn tiền.
    Từ nay anh sẽ cữ kiêng,
    Bớt phần giao tiếp liên miên gọi mời.
    Để em khỏi phải than ôi,
    Nâng khăn sửa túi…thủng rồi lại lo.
    (Linh Cơ)

Theo một bài viết của Nguyễn Diễm trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 39, ra ngày 01 tháng 10 năm 2006, thì đa số các anh chồng không mấy quan tâm đến thu nhập của vợ, thì ngược lại với thiên chức “tay hòm chìa khóa, hầu hết các chị vợ đều muốn “thâu tóm” tiền bạc về một mối, để mình quản lý. Vì thế, lắm ông chồng rất khổ sở trong việc chi tiêu “ngoài luồng”, bởi sống đâu chỉ cần hai bữa cơm nhà, vài chục ngàn đồng dằn túi vợ phát mỗi ngày! Túng thì phải tính, chuyện các anh chồng lập quỹ đen thì ai cũng biết, các chị vợ cũng biết, nhưng đành bó tay, vô phương kiểm tra truớc “trăm phương ngàn kế” của các anh chồng.

Thực vậy, hầu như anh chồng nào cũng có những nhu cầu ngoài luồng, có khi chính đáng và cũng có khi không chính đáng. Những nhu cầu ngoài luồng này chỉ có thể bật mí với bè bạn, chứ chẳng thể nào huỵch toẹt ra cho chị vợ, thành thử làm sao mà năn nỉ ỉ ôi, hay cò kè bớt một thêm hai với chị vợ cho được. Đành phải âm thầm lập quỹ đen.

Việc lập quỹ đen thì cũng có đủ mưu đủ chước và bài báo đã “bật mí” một vài mưu chước như sau :

Anh chồng nọ làm nghề nhiếp ảnh, thỉnh thoảng cũng được vác máy đi chụp mấy cô người mẫu. Chuyện bia bọt giao tiếp, cũng như chuyện chơi sao cho đẹp với các cô người mẫu tất nhiên phải có, nhưng “quyết toán” thế nào với chị vợ đây ? Chỉ cần tiêu mất vài trăm ngàn mà “giải trình” chẳng xuôi là không êm liền tù tì. Tiêu vào bia bọt với bạn bè còn “nhức mình” vì chị vợ cằn nhằn, nói gì đến khoản giao lưu cùng các cô em xinh đẹp.

Thế là thay vì cất tiền trong bóp, anh giấu khắp nơi. Từ các ngăn bí mật trong cái túi xách to đùng, lỉnh kỉnh đồ nghề, có nhiều ngăn lớn nhỏ của anh cho đến trong cốp xe, trong sổ tay…Giấu tiền khắp nơi, nên nhiều khi anh cũng không nhớ nổi mình còn bao nhiêu tiền, lúc cần có khi tìm hoài không thấy.

Một lần, con gái anh mới sáu tuổi nghịch phá đã mở hộp đựng một cuộn phim anh vừa chụp chưa kịp tráng. Thế là đi đoong cuộn phim, nhưng anh không bực mà còn…vui, vì một “phát kiến” lớn chợt đến. Còn chỗ nào giấu tiền mà chị vợ không dám động đến tốt hơn là hộp đựng phim ? Thế là vài trăm ngàn được gấp nhỏ lại, cho vào cái hộp đen đen be bé đó, dán trên nắp một miếng băng keo, ghi vài chữ “phim chưa tráng” là hoàn toàn yên tâm. Còn ai dám mở hộp phim ngoài anh? Cho dù cái hộp ấy có để ngay trước mặt, chị vợ cũng chẳng dám động vào. Cũng từ đó, mỗi khi rủ rê đi nhậu, bạn bè thường hỏi anh :
- Mày còn…hộp phim chưa tráng nào không ?

Có anh chồng thì cất giấu tại cơ quan. Có anh chồng thì gửi nơi người thân tín. Có anh chồng thì mở tài khoản riêng ở ngân hàng, nhất là từ khi các ngân hàng phát hành thẻ ATM, cho rút tiền ở các máy được đặt sẵn khắp nơi…Thôi thì đủ chước đủ vành, đến quỷ thần cũng không lường nổi.

Nếu quỹ đen được dùng để bao bồ nhí, hay đi bia ôm thì đó là điều sai trái, không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc, nhẹ thì vợ chồng cãi vã, nặng thì tình cảm đổ vỡ và dẫn tới ly hôn.

Thực tế, có nhiều chị vợ chỉ muốn chồng nộp tiền vào mà không muốn chi tiền ra, khi anh chồng cần, ngay cả cho những nhu cầu chính đáng. Cũng có không ít chị vợ muốn kiểm soát chặt chẽ, chi ly từng đồng chi tiêu vặt vãnh của anh chồng, muốn hàng ngày phát tiền cho chồng, như phát tiền cho con. Mà nếu các chị đã làm như vậy, thì cũng khó trách các anh lập quỹ đen.

Nếu chị vợ hiểu biết, để cho chồng giữ lại một khoản tiền tương đối mà tự do chi xài những chuyện lặt vặt như : đổ xăng, uống cà phê, dùng vài ly bia khi gặp bè bạn…thì có lẽ các anh chồng nghiêm túc sẽ không cần phải tính đến chuyện lập quỹ đen làm gì.

Để kết luận, gã xin ghi lại nơi đây lời tâm sự của một anh chồng :
- Thật ra mình cũng chẳng muốn chuyện quỹ đen, quỹ trắng, nhưng để yên nhà yên cửa thì không có không được. Đi nhậu với bạn bè tốn vài trăm ngàn là chuyện bình thường đối với đàn ông, nhưng đối với mấy bà thì chẳng bình thường chút nào. Cứ thử về nhà bảo vợ : Em đưa cho anh vài trăm ngàn đi nhậu…xem có yên thân được không ? Chẳng lẽ mỗi chút lại phải xòe tay xin vợ ? Mà xin không có lý do chính đáng thì đừng hòng…

Nói cho cùng, cũng phải hiểu cho các bà. Đi chợ mua một miếng thịt cũng phải kỳ kèo trả giá, làm sao không xót khi biết chồng mình tiêu xài vào những chuyện mà các bà cho là vô bổ, tốn kém…

Quỹ đen thì cứ quỹ đen, nhưng tôi vẫn xác định : tiền giao cho vợ là yên tâm nhất, vì khi gia đình cần đến là có ngay, mình mà giữ tiền, đến lúc cần, tiền đã bốc hơi từ lúc nào không hay…

Tóm lại, lập quỹ đen hay không là do nhu cầu của các anh chồng, nhưng đồng thời cũng do cách xử sự của các chị vợ nữa!!!