Home Tin Tức Thời Sự Kinh tế Nhật trong giai đoạn đầy sóng gió

Kinh tế Nhật trong giai đoạn đầy sóng gió PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà / Đỗ Thông Minh   
Thứ Tư, 19 Tháng 9 Năm 2012 17:00

Điểm tín nhiệm của thủ tướng Noda lại đang ở mức thấp kỷ lục.

 

Cảng Tokyo, 31/08/2012
REUTERS/Kim Kyung-Hoon

 

Tê liệt chính trị tại Tokyo, cuộc đọ sức với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến hàng Nhật bị tẩy chay, đồng yen đang ở mức cao nhất là những trở lực chính của một nền kinh tế vốn lấy xuất khẩu làm chủ đạo.

Cuối tháng 8/2012 bộ trưởng Tài chính Jun Azumi nhìn nhận : « Chính phủ sẽ thiếu hụt tiền. Đó không phải là một kịch bản hoang đường, mà là một thực tế đang đe dọa Nhật Bản », nhà nước bắt buộc phải dời lại một số các kế hoạch chi tiêu.

Tuyên bố trên nghe qua tưởng là chuyện đùa và khó mấy ai có thể tin được là nền kinh tế thứ ba trên thế giới lại bị đe dọa thiếu hụt ngân sách. Cũng không ai có thể hình dung ra rằng các cơ quan hành chính Nhật Bản lại phải ráo riết cắt giảm những khoản chi phí « không mang tính sống còn » như tiền điện thoại.

Vào mùa khai giảng mà Tokyo lại thông báo đột xuất giảm trợ cấp cho các trường đại học. Khoản tiền 45 tỷ đô la, mà trên nguyên tắc, chính quyền trung ương phải cấp cho các địa phương vào đầu tháng 9 cũng đang được « xét lại ». Hậu quả trực tiếp là chương trình chi tiêu của nhiều tỉnh thành sẽ bị tê liệt trong nay mai.

May mắn thay là, khác hẳn với trường hợp của Hy Lạp, nguy cơ chính phủ Nhật thiếu khả năng thanh toán không bắt nguồn từ những khó khăn tài chính mà nguyên nhân lại nẩy sinh từ bế tắc chính trị.

Đảng đối lập Tự do dân chủ đang kiểm soát Thượng viện bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các của thủ tướng Yoshihiko Noda để bắt bí đảng Dân chủ đang cầm quyền. Động thái chính trị nói trên làm tê liệt hoạt động của Hạ viện, chặn đứng một loạt các dự luật cải tổ được coi là mang tính quyết định cho tương lai của đất nước.

Điểm tín nhiệm của thủ tướng Noda lại đang ở mức thấp kỷ lục. Như vậy không sớm thì muộn, chính phủ phải chấp nhận tổ chức bầu cử trước thời hạn, mở đường cho đảng đối lập trở lại chính quyền.

Thông tín viên Đỗ Thông Minh từ Tokyo phác họa ra toàn cảnh chính trị Nhật và trong lúc mà đảng đối lập tìm cách quay lại chính truyền thì nội bộ đảng đang chiếm đa số ở Hạ viện lại bị rạn nứt.

Hai đảng Tự do Dân chủ và Dân chủ bầu lại lãnh đạo trong nay mai và Tokyo chờ đợi thủ tướng Noda quyết định về thời điểm tổ chức bầu lại Lập pháp trước thời hạn, dự luật tài chính cho ngân sách 2012-2013 vẫn chưa được thông qua.

Khi mà Thượng viện không thông qua dự luật này để bắt bí đảng cầm quyền, thì nội các Noda không thể phát hành thêm 380 tỷ euro công trái phiếu.

Khoản tiền đó tương đương với 42 % tổng ngân sách của nhà nước của tài khóa 2012-2013. Chính vì thế mà hôm cuối tháng 8 vừa qua, bộ trưởng Tài chính Nhật đã thông báo tạm dời lại một số các khoản chi tiêu của các bộ như Quốc phòng hay Giáo dục.

 Tuy nhiên, Tokyo đặc biệt dành ưu tiên để các công trình tái thiết sau tai họa sóng thần không bị chậm trễ vì thiếu hụt ngân sách. Các khoản lãi phải trả cho các chủ nợ cũng không bị ảnh hưởng, vì theo Tokyo đó là điều quan trọng, tránh để các nhà đầu tư quốc tế hiểu nhầm là Tokyo bị đe dọa thiếu tiền mặt hay lúng túng vì khả năng thanh toán.

Nhập siêu trong cán cân thương mại Nhật

Họa vô đơn chí. Bế tắc chính trị vừa nên nổ ra vào lúc chỉ số tiêu thụ nội địa Nhật Bản cũng đang trên đà đi xuống.

 Trong tháng 7/2012 mức tiêu thụ của các hộ gia đình giảm 0,8 % so với cùng thời kỳ năm ngoái và « độ rơi » này bị đánh giá là quá mạnh trong lúc mà các cơ quan kinh tế chờ đợi chỉ số tiêu thụ chỉ giảm có 0,2 %.

Khối lượng xe hơi bán ra trên thị trưởng Nhật sụt giảm đến 1/3 so với hồi tháng 7/2011. Chỉ số tiêu thụ đối với lương thực, thực phẩm cũng đã giảm đi so với một năm trước đây. Đây là một tín hiệu không hay, khi biết rằng 60 % sức mạnh kinh tế của Nhật Bản có được là nhờ vào tiêu thụ nội địa.

Cùng lúc cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt nặng, chủ yếu do xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu suy giảm.

Nhập siêu của Nhật lên tới 5,2 tỷ euro, cao gấp đôi so với chờ đợi và cũng hiếm khi nào cán cân thương mại của Nhật Bản trong tháng 7 lại tồi tệ đến như vậy.

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 đã giảm hơn 8 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Chi tiết hơn thì xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản giảm gần 12 %, sang 4 khách hàng châu Á khác là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapor giảm trên 14 %.

Trong khi đó thì do nhu cầu tái thiết sau sóng thần hồi tháng 3/2011 và thiếu hụt năng lượng, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng thêm 2 % trong tháng 7/2012. Nguyên nhân chính khiến cán cân thương mại Nhật Bản bị thâm hụt do đồng yen tăng giá, hàng xuất khẩu « made in Japan » mất sức hấm dẫn.

Hai cột trụ của kinh tế Nhật là tiêu thụ và xuất khẩu cùng có dấu hiệu hụt hơi khiến nhiều nhà quan sát lo ngại nền kinh tế đứng thứ ba trên thế giới này khó có thể tránh khỏi suy thoái từ này đến cuối năm. Trong quý 2/2012 tổng sản phẩm nội địa Nhật Bản tăng 0,7 % tức chỉ bằng phân nửa so với mức độ tăng trưởng của ba tháng trước đó. Khuynh hướng kinh tế bị co cụm lại càng được củng cố với việc Nhật Bản đã phải liên tục gia tăng nhập khẩu năng lượng để thay thế cho năng lượng hạt nhân.

Tác động từ cuộc đọ sức với Trung Quốc

Cú hích kinh tế nhờ công cuộc tái thiết sau tai họa động đất và sóng thần năm ngoái đã không đem lại những kết quả như mong đợi, cộng thêm với những khó khăn chồng chất về phương diện kinh tế vừa nêu, khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giảm dự phóng tăng trưởng. BoJ - Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - chờ đợi tỷ lệ tăng trưởng cho năm 2012 không vượt quá 2 %.

Nhưng đấy là chưa kể yếu tố bất thường vừa ập tới Nhật Bản : cuộc đọ sức Nhật Trung trên hồ sơ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, mà người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Làn sóng bài Nhật trên quê hương Mao Trạch Đông ngày càng lan rộng và bắt đầu gây nhiều thiệt hại cho các hoạt động kinh tế của xứ phù tang.

Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại số 1 của Nhật Bản. Trong lúc Nhật Bản là thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc quan trọng thứ ba của nước đông dân nhất địa cầu, sau Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ. Năm 2011, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới hơn 340 tỷ đô la.

Nhà máy và đại lý xe hơi của Toyota, của hãng điện tử Sony, nhiều cửa hàng phân phối quần áo của hệ thống Uniqlo đã phải đóng cửa khi đang trở thành mục tiêu tấn công của những người biểu tình phẫn nộ sau việc Tokyo quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo có tranh chấp chủ quyền.

Theo tin mới nhất, tranh chấp chủ quyền biển đảo đã buộc hãng xe Nhật Toyota đã phải đóng cửa 9 nhà máy tại Trung Quốc, cho 31 000 nhân viên tạm nghỉ việc. 9 nhà máy này sản xuất ra 800 000 chiếc xe hàng năm.

 Bên cạnh 9 nhà máy sản xuất xe hơi, trong đó có 3 cơ sở lắp ráp, Toyota hiện còn có cả một hệ thống gồm 860 đại lý phân phối và bảo trì.

 Một tập đoàn xe Nhật khác là Nissan cũng đã đóng cửa 2 trên tổng số ba cơ sở sản xuất. Honda ngưng toàn bộ 5 nhà máy lắp ráp cho đến hết ngày 19/09/2012.

Trong lĩnh vực công nghệ điện tử, cơ sở của hãng Panasonic tại Thanh Đảo bị đốt phá cách nay 3 hôm. Hai nhà máy của Sony trên 7 ngưng hoạt động, tương tự như 30 siêu thị của tập đoàn phân phối Aeon, nhiều cửa hàng của Seven&i và khoảng hơn 40 cửa hàng may mặc của nhãn hiệu Uniqlo.

Hàng hóa và nhiều các sản phẩn văn hóa của Nhật vốn rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng đang bị tẩy chay.

Một số các chuyến bay và các tuyến du lịch giữa hai nước cũng đã bị hủy bỏ trong 48 giờ qua.

Thế nhưng nói một cách công bằng, thì cả về phía Trung Quốc cũng bị thiệt hại : trong bảy tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp của Nhật vào Trung Quốc tăng 19 % so với 7 tháng đầu năm 2011.

 Vào thời điểm mà kinh tế của Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi, thì một cuộc đọ sức kéo dài sẽ bất lợi cho cả đôi bên.

 Đặc biệt là khi mà hai nền kinh tế số 2 và số 3 của thế giới dù muốn hay không đã bị đan kết vào nhau.