Home Văn Học Tùy Bút Ngàn Năm Một Thuở…Sang Tầu

Ngàn Năm Một Thuở…Sang Tầu PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn-Phú-Long   
Chúa Nhật, 03 Tháng 4 Năm 2011 06:26

                                                     
     Trước hết xin thưa là, nhan đề trên đây tôi đã mượn của Hồ-Hữu-Tường. hồi nhỏ tôi từng hâm mộ, ngoài giờ học hành, đọc say sưa. Nay vì loạn ly, di chuyển bị thất lạc kiếm không ra, không nhớ tình tiết bao nhiêu. Nhưng duy cái tựa thì còn như in trong bụng, đó là : Ngàn Năm Một Thuở Phi-Lạc Sang   

 Cố văn sĩ Hồ-Hữu-Tường để lại một cuốn sách nội dung lôi cuốn, bàn về chính trị, thời sự mà chẳng khô khan, khá hấp dẫn,

 
     Chả là vì tôi cũng mới ngao du Trung-Quốc vào mùa Thu vừa về tới nhà. Sự cố tôi đi Tầu cũng là ngàn năm một thuở, vì lười biếng kiếm tên mới, lại sẵn đấy, thôi thì mạo muội dùng đỡ cho tiện, nhưng dù sao cũng phải nói cho có đầu có đuôi, trước khi viết lai rai, tản mạn đôi dòng, để khỏi bị mang tiếng là hạng đạo văn như mấy kẻ đã cầm nhầm tác phẩm của người khác thời gian gần đây.


     Thú thực, chắc là do “Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.” Từ hồi nào tới giờ nên gân côt hiện thời chẳng còn bì được như thuở trai tráng thanh xuân, vì vậy, giữa một bên là cuộc rong chơi, tham quan đây đó và đàng khác là mặc áo thun nằm nhà, trong phòng lạnh, mở TV xem đá banh, lại có thêm ly cà phê sữa đá bên cạnh để từng chập, cầm cái thìa quậy leng keng… thì tôi ưng điều thứ nhì hơn.


     Tuy nhiên hẳn mọi người đều biết, đôi khi mình chẳng thể làm theo ý mình được. Một hôm người con lớn dắt bầu đoàn thê tử đến thăm, thấy cha thì ngồi trầm ngâm yên lặng; Mẹ thì cũng thơ thẩn lặng yên, chả ai có việc gì làm, phòng ốc ngăn nắp, gọn ghẽ, sạch sẽ, hình như bên trong ngưỡng cửa, thời gian đi chậm hơn ngoài phố. Hắn đảo mắt qua lại, cảm thấy thiếu thốn cái gì nhưng   không biết diễn tả là cái gì. Tôi đoán có thể tại đây không có giọng ngâm thơ, vắng tiếng dệt cửi, trẻ khóc…những âm thanh rộn rã, ấm cúng, là sự đóng góp cần thiết của một mái nhà mà các cụ ta xưa gọi là “Gia hữu tam thanh” nhưng thời buổi này, con tôi dù đã hơn bốn chục làm sao biết được. Hắn nói đại ý, Bố mẹ về hưu rồi, nằm nhà mãi không tốt, thỉnh thoảng nên thay đổi không khí, đi chỗ nọ chỗ kia một chuyến cho khuây khỏa, con sẽ lấy thư, trả bill, cắt cỏ… 

 
     Chuyện qua đi, rồi mấy bữa sau, cô con gái kế, tự nhiên, chẳng cần lý do sinh nhật, tết nhất chi cũng khiêng đến, từ Circuit City, biếu cái máy chụp ảnh Digital 6 chấm, và hình như “tụi nó” tổng cộng bốn đứa, tất cả đều trưởng thành có gia đình nhà cửa, ở rải rác gần xa, đã họp bàn, điện thoại tới lui, bảo nhau sao đó nên tiếp theo cậu Tư và cô Út hùn hạp, gửi bưu điện cho tôi một phong bì đựng cái biên lai đã “book” với hãng du lịch Morning Star, kèm tờ lịch trình, và mấy bản khai báo xin visa đi tour Trung-Quốc khởi hành từ DC làm cho cô em họ nghe loáng thoáng cũng vội vàng mua tặng anh chị bộ suit-case như sợ chúng tôi, cặp vợ chồng già, “Ra đi không mang va-ly…” thì sẽ tạo nên một hình ảnh tang thương quá!


     Mọi điều sẩy ra dồn dập, thật cảm động. Vợ chồng tôi chịu áp lực nặng nề và trước sự đã rồi, thay đổi gây tranh cãi, phiền phức, đành quyết định liều một phen! Đúng là ngàn năm một thuở!


     Tuy nhiên, sự đóng góp của thân thuộc, suy đi suy lại, nó vẫn có vẻ mang tính ước lệ làm tôi cứ ái ngại, lúc chấp nhận, lúc muốn từ chối, mình đủ khả năng thì rong chơi, rỗng túi thì nằm nhà, chuyện không quan trọng, sao lại làm phiền người nọ người kia, thấy thế, bả nhà tôi không chịu, các con nó đã ghi tên tại văn phòng hãng du lịch, ở đời có qua có lại, xã hội không phải nơi hoang đảo, “Chú khi ni my khi khác.” Tui hỏi, khi khác là khi mô? Thì được trả lời ngay lập tức, khi sang Tầu chứ khi mô! Mở tờ lịch trình coi, nghe nói trên đường thăm Vạn-Lý Trường Thành mình sẽ ghé xưởng làm ngọc thạch, và ở đâu đó có trung tâm chế biến tơ lụa, cơ sở nuôi ngọc trai…mỗi nơi mình lướt qua phòng trưng bầy, lựa mấy món thích hợp, vừa phải rồi nói với em bé mặc xường-xám đứng bên kia quầy hàng “Thẩy xu ủm cói!” cho em trả lời “Tố chè.” Với nét mặt lễ phép, thân thiện, cởi mở chẳng dấu được niềm hân hoan “Lòng em như nước Trường Giang ấy!”


     Tôi lơ mơ, nghĩ thế cũng phải, nên từ đó mới dứt khoát tự nhiên thay đổi lập trường. Tự nhiên thật sự chứ chẳng phải vì là hội viên danh dự hội sợ vợ mà lú lẫn nhắm mắt thay đổi như rứa! Rồi thấy thoải mái, phấn khởi, cũng là tự nhiên thôi, bèn lăng xăng sửa soạn, ghi vào cuốn sổ tay, định bụng đi chuyến này sẽ quan sát tận chỗ xem người Trung-Hoa thường treo hoặc dán chữ Phúc ngược trong nhà như thế nào. Nghe nói đám dân quê chất phác, bình dân ưa cao ngạo, ưa chơi chữ, hay treo ngược đầu đuôi chữ phúc trên tường để đọc là “Fú-dào” chứ chả thích treo bình thường, chững chạc như những nhà giầu sang phú quý mà đọc là phúc. Fú-dào theo âm Bắc-Kinh nghe như phúc đáo ( phúc đến), ý những mong cho phúc tới nhà nhất là ngày tết.


     Ta biết người Tầu và ngay cả Việt-Nam nữa, rất muốn có ba điều, đó là Phúc, Lộc, Thọ. Phúc là ưu tiên số một, là niềm ước ao lớn nhất. Phúc cho bản thân, cho gia đình, con cháu, hậu duệ, cho nhà cho nước…bao nhiêu cũng chẳng vừa Phúc mang tính vị tha, đạo đức, xã hội…nên chữ phúc đối với mọi người là rất quan trọng, luôn luôn được nhắc nhớ, quảng bá phổ thông, trân quý. Nhiếp ảnh gia Phạm văn Mùi cũng có một tác phẩm với chữ phúc bên cạnh thanh gươm nhìn rất bắt mắt. Nơi điện Cần-Chánh dùng thiết thường triều trong Tử Cấm Thành ở Huế, năm 1843, vua Thiệu-Trị cũng ngự bút một chữ phúc để làm bức hoành phi treo trên cao.


     Ấy thế mà tiếc thay, khi qua đó, sáng tối người ta toàn hướng dẫn chúng tôi đến những nơi gọi là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hãnh diện, xa xưa chứ có thì giờ vào thăm nhà cửa của ai đâu mà tìm hiểu dò hỏi, cho nên ngay cả lúc trèo lên từng bậc thềm bằng đá của kỳ quan Vạn-Lý Trường Thành cao vời vợi, nhìn xuống núi non hùng vĩ, dù cho lòng vẫn thầm thán phục mấy ông con trời, và tuy vẫn nhớ câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” tôi vẫn có chút không vui hoàn toàn.


     Chữ Tầu kể ra thì vô cùng độc đáo. Chẳng những để ngược đầu đuôi đọc cũng được đã đành. Tôi quen ông bạn, thi sĩ T.T. hiện ngụ tại bang Oklahoma, còn cho biết, nhiều trường hợp để nằm nghiêng nó vẫn có nghĩa như thường. Nói rồi, nhân trong buổi họp mặt, tiên sinh vẫy tôi lại gần, ghé tai to nhỏ kể tôi nghe câu chuyện như vầy…như vầy…


     Một thanh niên phải đi xa bèn bảo vợ đứng yên, viết chữ Xuân vào gần chỗ kín của vợ làm dấu! Khi về kiểm soát, quáng mắt, chẳng thấy chữ Xuân đâu mà chỗ đó lại thay thế bằng chữ Thung, bèn nổi đóa, la hét ầm ỹ tra hỏi:


                                  Tích nhật ngã đề Xuân nhất  tự
                                  Kim thời hà cớ biến vi Thung?
                                  (Chữ Xuân ta viết ngày nào,
                                  Cớ sao lại dám tráo vào chữ thung?)


     Chị vợ đang nóng ruột, nằm chờ trên chiếc chiếu mới tinh, chiếc chiếu cất để dành đợi người trở lại, còn thơm mùi cói, hôm nay đem ra dùng, đinh ninh “Tân thú bất như viễn quy.” Mới cưới cũng không bằng ở xa về…trời đất chắc chắn sẽ phải quay cuồng một phen, cho bõ tháng ngày cô quạnh, ai dè chưa chi đã bực mình về sự nghi ngờ ghen tương vớ vẩn của chồng, nhưng cũng bình tĩnh vuốt ve, tự an ủi thầm, thôi thì “chiều người lấy việc, chiều chồng lấy con.”:


                                   Lang quân bất thức lang quân hận,
                                   Lập tắc Xuân hề, ngọa tắc Thung.
                                   ( Cớ sao anh chẳng biết gì
                                   Chữ Xuân lúc đứng, nằm thì hóa Thung.)


     Nhân tiện tản mạn về chữ Tầu, xin kể ra đây cho vui, mẩu chuyện này nhiều người biết, có tính cách khôi hài hư cấu, bởi vì viết chữ vào “chỗ đó” sẽ chẳng giữ được bền sau những lần tắm rửa thường nhật và hình như hơi lạc đề một chút, nay xin trở lại.


     Với mười hai ngày theo đoàn qua sáu thành phố chính từ Bắc-Kinh xuống tới thượng-Hải, ngày nào cũng lên xe lúc sáng tinh mơ, tối mịt mới ăn cơm, về tới khách sạn tứ chi rời rã, có kẻ phải gọi chuyên viên tẩm quất đến phòng, nhờ nắn bóp thớ thịt, khớp xương,đâu vào đấy, ngay ngắn, phục hồi sức khỏe, để tiếp tục hành trình cho ngày hôm sau.Thời khóa biểu thật là nặng, chẳng phải là Càn- Long du Giang Nam lỉnh kỉnh mà cũng khá mệt, mặc dù chỗ nào cũng thấy núi sông cây cỏ hòa hợp mơ màng lãng đãng như tranh thủy mạc, cũng thấy mấy lồng đèn mầu đỏ treo từng giẫy dưới mái ngói cong cong trước tư gia, trước chùa chiền thật rực rỡ, thật đẹp mắt, thật…Tầu!


     Mọi người đều bận rộn, nhưng mấy vị cao niên còn bận rộn hơn, thời gian thì ông trời công bằng cho đồng đều ai nấy chỉ có 24 tiếng, mà di chuyển lên xuống chậm chạp khó khăn hơn bọn thanh niên, đồ đạc mua mang về thì các cụ đâu chịu kém, đó là chưa kể tới một nhu cầu do năm tháng phát sinh, cứ phải lập đi lập lại nhiều lần, mất thì giờ… Khi xưa thẳng giấc ngủ say, Bây giờ đã hết tháng ngày xuân xanh. Đêm khuya thao thức cầm canh, “Đếm đai” từng chập hết anh tới nàng. Sáng ra muốn được nhẹ nhàng, Lên ô tô để sẵn sàng rong chơi, Nhắc nhau khe khẽ một nhời, Vào thăm toa-lét xong thời hãy đi. Đến đâu cũng chớ vội gì, Tìm nơi giải tỏa rồi thì tham quan.


     Tới ngày thứ 8, để thay đổi không khí, chúng tôi được xuống du thuyền trên Tây Hồ rộng khoảng 4,500 cây số vuông ngắm liễu rủ, đền đài trên bờ, thưởng thức vòng vòng một đoạn ngắn thôi, vì còn  phải dành thì giờ đi nhiều nơi khác. Khi lòng khoan khoái giữa cảnh trời mây non nước lênh đênh, tôi chợt nhớ tới đoạn thơ của một người Việt-Nam, thi sĩ Tế-Hanh, đã sáng tác lúc qua đây, năm 1956, cũng vào mùa thu như bây giờ.


                       Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm,
                       Trời Hàng-Châu bốn bề êm ái.
                       Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
                       Một ít vàng trong nắng trong cây,
                       Một ít buồn trong gió trong mây,
                       Một ít vui trên môi người thiếu nữ.
                       Anh đã đến những nơi lịch sử:
                       Đường Tô-Đông-Pha làm phú,
                       Đường Bạch-Cư-Dị làm thơ…


     “Anh đã đến những nơi lịch sử.” nhưng còn bao nhiêu nơi khác anh chưa đi qua, tôi cũng vậy, lãnh thổ Trung-Hoa rộng thênh thang, chắc chắn còn nhiều khu dân cư lam lũ nghèo nàn, nhưng mấy nơi chúng tôi đi tới, nhiều chỗ cuộc sống của họ tiện nghi văn minh chẳng thua kém gì các nước tân tiến. Phố xá hai chiều riêng biệt sạch sẽ, building trọc trời, lề đường nhiều nơi từ Bắc-Kinh ra ngoại ô trồng hoa rực rỡ, có lẽ đó là mục đích sửa soạn cho Thế Vận Hội 2008. Nhưng dù sao thì cũng phải công nhận là họ tiến bộ và có khả năng.


     Một điều không thể chối cãi được, khách quan, chuyến đi với năm chục dân mình, trai gái già trẻ, tu hành, trần tục…đã cho tôi gặp gỡ thêm nhiều bạn bè, nhiều kỷ niệm lý thú như những khi có chút thì giờ đàm đạo với sư ông Thanh-Tâm thuộc chùa Kỳ-Viên thuộc vùng Hoa-Thịnh-Đốn, như ở nhà hàng nào và bữa cơm nào đầu bếp cũng bưng lên bát canh thật bự, canh chỉ có nước, không có rau cỏ thịt cá gì, anh Minh Nữu chủ biên tờ Văn-Nghệ tuần báo ở DC đã nói đùa đó là canh toàn quốc khiến ai cũng buồn cười, thấy khỏe ra, khỏe chút chút thôi, chứ nói “ Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ “ thì có hơi quá!


     Năm chục người với ba hướng dẫn viên hai Việt-Nam một Trung Hoa. Hai người Việt nói tiếng Trung-Hoa như người Tầu. Người Trung-Hoa, Cô Sue, nói tiếng Anh như Mỹ. Cô còn trẻ, lại hát hay, nghe cô hát líu lo bài Mùa-Thu Lá Bay là cảm thấy đỡ mệt mỏi phần nào. Họ rất tận tình, luôn nhắc nhở chúng tôi giữ gìn tiền bạc, giấy tờ, trang sức vì ở đây nghệ thuật lắt túi cũng không thua gì chợ Đồng-Xuân Hà-Nội. Họ luôn giúp đỡ trả lời thắc mắc, mua giùm những thứ cần thiết như túi xách, CD nhạc…Anh Michael Phú mua hộ tôi mấy cuốn sách nhất định không lấy tiền dù cho lúc ấy trong túi tôi có cả  Dollars và Nhân Dân tệ.theo anh thì “Có đáng bao nhiêu chú Long!’ để tôi cũng chỉ biết nói cám ơn thôi! và cử chỉ đó làm tôi nhớ mãi.


     Lúc ghé Huaquing Hot Spring tôi nhìn cảnh đẹp thấy man mác trong lòng, ngó dòng nước êm đềm tỏa hơi mà anh Diên , người hướng dẫn, giải thích, đây là suối nước nóng Hòa-Thanh từ đời nhà Đường, người đẹp Dương Quý-Phi đã đến tắm rửa nơi lầu kia cho da dẻ mịn màng nhiều bận.


     Tôi đứng nghe, tỳ tay vào một con trâu bằng đá, chung quanh là hồ nước, vườn hoa muôn mầu sắc, nhìn khu lầu treo màn hồng trước mặt, gió bay phơ phới, ngày tháng xa rồi, lầu treo màn hồng giờ chỉ để gió bay thế thôi, chẳng có bầy tiên nữ ôm những chiếc bình ngọc chuyên nước suối lên lầu và cũng chả có nước suối từ trên lầu chẩy xuống róc rách reo vui. Hôm nay tới chốn cũ của người xưa, đầu óc vẩn vơ, lơ đãng, biết gửi gắm gì bây giờ, lại nhìn con trâu bằng đá, tần ngần, bèn lẩm nhẩm ghép vần làm đại bốn câu kỷ niệm.


                                 Từ xa xưa tới nay
                                 Vẫn cảnh nước non này
                                 Mà người muôn năm cũ
                                 Về đâu ai có hay!


     Mấy câu thơ ghi lại, không được chau chuốt vì chẳng có thì giờ, còn phải vội vã theo đoàn kẻo bị bỏ rơi thì khổ. Tôi vừa đi vừa đọc khẽ cho vợ nghe, bả chẳng khen còn nói, cũng rất khẽ, ở đây còn có cả mấy nhà thơ nam nữ, đừng múa rìu qua mắt thợ, họ cười cho. Tôi cụt hứng, buồn thiu, nhưng chỉ lát sau, như thể an ủi, lại nghe hỏi, thơ như thế đó hả? Thơ thẩn chi toàn mấy câu ngắn ngủn,tủn mủn tùn mùn như đuôi con cún vậy? Thơ năm chữ chứ thơ gì! Kể chuyện rong chơi ta phải dùng thể ngũ ngôn như trong bài thơ “Đi Chùa Hương”


     Thế mới tuyệt chứ! Chẳng đúng sao?
     Làm thơ mà có người bàn luận, đối thoại là vui rồi, khen chê tính sau. Một ít  trường hợp tôi gửi tặng thơ văn,độc giả chỉ…đọc thôi! Đọc xong thì im như thóc. Tôi cao hứng, lên tinh thần, bèn lấy giọng ống bơ rỉ, tiếp tục:


                                  Hôm qua đi tầu bay, 
                                  Bên nhau suốt một ngày, 
                                  Chẳng tâm tình âu yếm,
                                  Tay không tìm bàn tay…


      Vợ tôi lẹ làng, bước qua nói chuyện với một bà bạn, thật là bất lịch sự, làm như trong cơ thể tôi lúc đó đầy vi trùng H5N1 không bằng.
     Từ lâu lắm rồi, từ khi cái nghĩa nó nặng ngang cái tình, chúng tôi chẳng bận rộn cần nhiều thời gian lo toan cho con cái, nên thỉnh thoảng tôi mon men tới chốn văn chương, không tham vọng chi, mục đích chỉ là giết thì giờ, những lúc như thế, đôi lần vợ tôi chả biết làm gì, cũng nhào vô tham dự gián tiếp, xem văn chương của tôi, cười cười


     Có điều không bao giờ thấy bả khen một câu, xem xong im lặng lảng sang chuyện khác, nhìn ra sân trước nói, cỏ nhà mình cũng dài, mai mưa, anh nên cắt cho sạch, hoặc cùng lắm là đề nghị tôi bỏ dòng này thêm ý nọ, tôi suy nghĩ, có khi theo có khi không và sau đó bả vẫn tham dự, khoảng thời gian “cộng tác” như thế vẫn tiếp diễn, chúng tôi hiểu nó đã giúp cả hai quên bớt muộn phiền, khỏi nghĩ ngợi nhiều về mấy vấn đề rắc rối của cuộc đời như hợp tan, ấm lạnh, bãi bể, nương dâu thế thôi chứ đâu dám ước mong như nhiều người, viết ra để cho ai đọc phải “ Khi tựa gối khi cúi đầu, khi vò chin khúc khi trau đôi mày.”  Và mỗi lần thấy tôi “đi” hơi quá trớn thí dụ dám so sánh thơ mình với tác phẩm bất hủ “Đi Chùa Hương” của Nguyễn-Nhược-Pháp thì nàng thực sự không bằng lòng, phản đối âm thầm nhưng mãnh liệt bằng cách bỏ ngang cho yên.

  
     Theo chương trình, tiếp đó chúng tôi sẽ được hướng dẫn tới viếng chùa Hàn San. Sau bữa cơm trưa, nhiều người còn mua thêm ít bắp luộc mời chào bạn đồng hành ăn tráng miệng lấy thảo, ai nấy ngồi vào chỗ cũ, gặm bắp như thổi khẩu cầm harmonica. Quãng đường khá dài, nên hướng dẫn viên lại nghêu ngao một ca khúc làm gương rồi mời một vài vị đứng lên hát hò giết thì giờ, đúng là hát cho hết thì giờ, không kèn không trống cũng hát, nhằm nhò gì, và, thật ngạc nhiên khi có một hai “ca sĩ” như chị Kiều Oanh, chị Bạch Cúc giọng ca rất tới làm ai nấy hào hứng cho đến khi nghe báo xe đã bắt đầu vào lãnh thổ Tô-Châu, kinh đô của nhiều đời vua thuở trước.


     Như hầu hết mọi người lớn tuổi, yêu thơ cổ, từ lâu niềm ao ước của tôi là được đến hai nơi, thứ nhất là Hoàng-Hạc-Lâu thuộc huyện Vũ-Xương tỉnh Hà-Bắc, hai là bến Phong Kiều với Hàn-San-Tự ở Tô-Châu. Tôi vẫn thường bầy tỏ lòng ao ước ấy với gia đình khi gặp dịp và có lẽ các con tôi chúng vẫn nhớ nên mới hùn nhau mua vé cho vợ chồng tôi đi Tầu.


     Hàn-San-Tự nằm ở phía Tây trấn Phong-Kiều thuộc tỉnh Tô-Châu, được xây dựng vào niên hiệu Thiên-Giám đời Lương (502-519) đặt tên là Diệu-Lợi Phổ-Minh Tháp Viện. Chùa trải qua nhiều hưng phế, đổ nát rồi trùng tu, hỏa hoạn lại trùng tu, và từ khi ngài Hàn-San đến trụ trì mới đổi là Hàn-San-Tự.


     Có người trong đoàn biết ít chữ nho đã cắt nghĩa cho tôi nghe Hàn-San theo nghĩa từng chữ, hàn là lạnh; San là sơn, là núi. Mặt khác, trước đó, trong một bản dịch bài Phong-Kiều Dạ Bạc của thi hào Trương Kế tôi cũng có đọc câu “Cô-Tô chùa núi rung chuông.”.tiện thể ghi lại đây với sự dè dặt và xin miễn bầy tỏ ý kiến. Tuy nhiên mạo muội nói thêm một chi tiết là, người Tầu cũng có chữ san thuộc họ vương, chẳng cùng nghĩa như sơn và hai chữ viết khác nhau, nghĩa khác nhau, san là san hô dưới biển.


     Tối hôm đó về khách sạn, mở computer, tôi nhận được hai cái “ meo “, cái thứ nhất là bài thơ của ông bạn ở Cali.
                         
Nhắn Người Du Lịch.
                Bạn hiền thông báo đến Tô Châu,
                Thăm cảnh Hàn-San của nước Tầu.
                Trương-Kế nào đâu thơ để đó,
                Tấm hình kỷ niệm nhớ trao nhau.
 
                Gắng chờ trăng xế lúc canh thâu,
                Quạ gáy thử xem khách có sầu!
                Gió thổi chập chờn gây sóng vỗ,
                Lửa chài còn cháy với thuyền câu.

                Cô-Tô chuông đổ có còn vang,
                Khơi thức khách du giấc mộng vàng,
                Ngoạn cảnh thần tiên ghi tạc dạ,
                Trở về kể lại cảnh Hàn-San.
                                        Nguyễn-Vĩnh-Tường.
     Cái thứ hai là đoạn nhắn tin ngắn, nhưng cũng đề nghị kể chuyện:
    
“Biết tin anh chị đang ở Tô-Châu, viếng Hàn-San-Tự, chúc anh chị rong chơi vui vẻ, về nhớ kể chuyện cho Kim nghe nhé. Kim.”
     Người em gái hậu phương tên Kim thích ca nhạc, làm thơ, có thời gian là hàng xóm ở cùng khu chung cư với chúng tôi, còn nhớ, lần đầu tiên gặp nhau ở văn phòng của khu apartment lấy thư, mở đầu nhìn nhau, cười với nhau, rồi hỏi nhau một câu bằng tiếng Ăng-Lê giọng mũi xanh rờn:” Are you Việtnammese?”  để sau đó qua lại, thân mật như người trong gia đình.


     Thấm thoát tới hôm nay cũng “năm năm rồi không gặp” kể từ khi nàng đi làm cô giáo ở một thành phố vùng trung Mỹ, Mới đầu xa cách hơi buồn, được cái trước sau vẫn giữ liên lạc, thăm hỏi, thơ phú, xa mặt mà chẳng cách lòng. Tình bằng hữu thế thôi chứ mong gì hơn.


     Kim theo Thiên Chúa Giáo tôi thì đạo phật, nhưng không phải vì thế mà hai đứa chảng lấy được nhau. Không lấy nhau vì nhiều lý do trong đó có vấn đề gặp nhau bất phùng thời. Con trai tôi tuổi Nhâm Dần, Kim hơn hắn tròn một giáp, sang đây khá lâu sau khi để lại người chồng yên nghỉ ngàn thu dưới lòng đất đâu đó nơi trại cải tạo. Còn phất phơ, “Của chua ai trông thấy chả thèm.” mà tôi bó tay không làm gì được, không giúp đỡ gì được. 

  
     “Kể chuyện cho Kim nghe nhé!” Kể chuyện gì bây giờ! Chùa Hàn-San và bài thơ của Trương Kế gắn bó nhau như môi với răng, nhiều người đề cập tới rồi, còn ai lạ gì nữa…lan man đến đây thấy lơ mơ, hình như mây đen ở đâu kéo tới ùn ùn, bèn nhắm mắt lim rim, buông lơi “con chuột” rồi chẳng mấy chốc đã rơi vào tình trạng kéo gỗ lúc nào đâu hay.


     Cũng như một số chùa chiền khác, chính giữa Hàn San Tự thờ phật Thích-Ca cùng hai ngài Ca-Diếp và A-Nan, hai bên là các vị La-Hán, 18 vị, chen vai sát cánh, nghiêm trang, lặng lẽ như đang bận suy tư về ý nghĩa cuộc đời, phía bên phải treo một cái chuông đồng do người Nhật đúc vào đời Minh-Trị Thiên Hoàng.
    Chùa có Tàng Kinh Lâu với một bộ Đại Tạng Kinh hoàn chỉnh in khắc từ thời nhà Thanh rất trân qúy; Có Chung Lâu do quan Tuân-Vũ Trần-Loan-Long xây và đúc một quả chuông bằng sắt treo lên đó.


     Nét độc đáo nhất của Hàn-San-Tự là một rẫy nhà thật dài gọi là Bi-Lang. Nơi đây trưng bầy những tấm bia đá khắc các bài văn, áng thơ nổi tiếng và có lẽ chưa nói hết, chắc các vị yêu thơ cũng đã nghĩ, hẳn là ở đó thế nào chả có bài tứ tuyệt Phong-Kiều Dạ Bạc của Trương-Kế!  Vâng đúng như vậy:


                                   Phong-Kiều Dạ Bạc.
                         Nguyệt lạc Ô Đề sương mãn thiên
                         Giang phong ngư hỏa đối Sầu Miên
                         Cô-Tô thành ngoại Hàn San Tự
                         Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
                                                             Trương-Kế.
     Bản dịch của Tản-Đà:
                         Trăng tà tiếng quạ kêu sương
                         Lửa chài cây bến sầu vương đất hồ.
                         Thuyền ai đậu bến Cô-Tô
                         Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn-San.


 

     Bản dịch Anh ngữ của Witter Bynner trong cuốn Three Hundred Poems Of The T’Ang Dynasty như sau:
     When I watch the moon go down. A crow cows though the frost; Under the shadows of maple trees, a fishman moves with his torch; And I hear from beyond Su-Chou, from the temple on Cold Mountain, ringing for me, here in my boat, the midnight bell. Chang Chi.


     Phong Kiều Dạ Bạc tức là ban đêm thuyền đậu bến Phong-Kiều, tức là Trương-Kế đã làm bài thơ lúc ban đêm khi đang nằm trên thuyền đậu ở bến Phong-Kiều. Bài thơ này chỉ có bốn câu thôi, gọi là bài tứ cú cũng được hoặc bài tứ tuyệt cũng được, vậy mà danh trấn giang hồ, vượt không gian, thời gian.
     Như ai nấy đều biết, Trương-Kế là một trong số những nhà thơ nổi tiếng của Trung-Hoa, ông sinh vào khoảng năm 730 sau Tây lịch, tự là Ý-Tôn, quê ở vùng Tương Châu tỉnh Hồ Bắc, đậu tiến sĩ năm 756 đời Đường Huyền Tông, niên hiệu Thiên-Bảo thứ 14 được bổ làm Doãn quan rồi Diêm Tiêu phán quan…tới đời vua Đường Đại Tông niên hiệu Đại-Lịch ông được vời vào triều giữ chức Tự-Bộ Viên Ngoại Lang và vào những năm cuối đời ông coi việc Tài Phú ở Hồng-Châu rồi mất ở đó.


     Nói về chuyện sáng tác bài thơ, sau khi viết được hai câu, Trương Kế nghĩ nát óc cũng không sao tiếp tục làm được hai câu kết, vầng trăng đã xế, sương phủ bao la, quạ kêu văng vẳng, gió lướt trên sông, ánh đèn thuyền chài leo lét…
Rồi sao nữa?  Còn gì nữa đâu! Tất cả những điều mắt thấy tai nghe đã được ghi nhận, sử dụng để diễn tả cái cảnh thật buồn rồi!


     Trên bến Phong-Kiều đêm ấy nào phải chỉ có Trương-Kế, những người lam lũ đánh cá, buông câu, kiếm sống rải rác, họ đã góp phần hình ảnh “ngư hỏa “ trong mấy câu thơ chứ đâu phải không, nhưng họ được mô tả như thế, nào khác chi tĩnh vật, tiếc là họ chẳng làm thêm cái gì sinh động để giúp thêm nguyên liệu ngõ hầu thi sĩ đem vào văn chương thí dụ ca hát nghêu ngao, thổi khúc sáo chơi vơi cho chính mình thưởng thức.


     Nghĩ mãi, nghĩ mãi…tới lúc nửa đêm, bất chợt nghe tiếng chuông từ chùa Hàn-San vọng tới, như một chất súc tác, mới nẩy ý, có dữ kiện và làm thêm để hoàn tất hai câu kết. Hai câu kết rất đơn giản, tự nhiên, nghe sao viết vậy: “Tiếng chuông nửa đêm vọng tới con thuyền của khách từ chùa Hàn-San ở ngoại thành Cô-Tô.”..Vậy mà nghĩ hoài mới làm được. Bài thơ “tả cảnh” lời lẽ mộc mạc, toàn là những gì mắt thấy tai nghe, chẳng có tình ái nhớ nhung, bạn hữu rượu chè, công danh sự nghiệp, tưởng là dễ dàng nhưng chắc chắn không phải dễ dàng. Kỹ thuật dùng cái yên lặng của cảnh vật để làm nổi bật cái sầu triền miên ở lòng người thật là độc đáo. Tiếng chuông âm vang tới mạn thuyền là một cộng tác tuyệt vời, khối sầu đã như hoà vào tiêng chuông lan rộng mãi, lan rộng mãi…


     Trong bối cảnh “sầu miên” ấy có liên hệ cảm ứng giữa những người đồng điệu gần xa nào không? Ta hãy nghe học giả Trần Trọng San kể lại trong bộ sách Thơ Đường của ông, thuộc tủ sách Đại Học Tổng Hợp thành phố Sai-Gòn 1999 đaị ý như sau:


     Tại chùa Hàn-San đêm ấy cũng có hai người thao thức trước cảnh bến nước trăng mờ, chẳng ngủ được, đó là sư cụ trụ trì và một chú tiểu. Sự thao thức khiến họ cũng trăn trở làm thơ. Và, thật lạ, sư cụ cũng chỉ làm được hai câu rồi bí luôn:


                                  Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,
                                  Bán tự ngân câu, bán tự cung.


     Lúc ấy sư thấy một chú tiểu còn thức, cựa quậy hoài, ho hắng mãi, bèn đọc cho nghe hai câu thơ vừa làm và lạ thay, nghe xong, chú tiểu ngồi nhỏm dậy, xỏ chân vào đôi guốc mộc, xin phép sư cụ ra bàn viết, viết tiếp hai câu sau:


                                  Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
                                  Bán trầm thủy đế, bán phù không.


     Để khi ráp lại thì có một bài tứ tuyệt niêm luật rất chỉnh,rất vừa ý. Thầy trò mừng quá, cho rằng phật tổ đã linh thiêng giúp đỡ hai người. Sư cụ bèn bảo chú tiểu thắp hương, thỉnh chuông để tạ ơn phật. Tiếng chuông âm vang, xa dần, trải rộng mặt sông, tới thuyền của khách…Trương-Kế nghe được lập tức cũng sáng tác  ra hai câu kết cho bài thơ đang dang dở của mình, tạo nên một tuyệt tác để lại cho muôn đời sau nói chung, khắc trên bia đá dựng nơi Bi Lang chùa Hàn San nói riêng và từ đó đến giờ nó đã gây nên bao nhiêu cảm xúc để thi nhân Việt-Nam phiên dịch, phổ biến rộng rãi, càng ngày càng nhiều.


     Như trên đã nói, tôi lười du lịch, nhưng khi đã khởi hành thì thấy du lịch rất có ích cho sự động não và sức khỏe. Nay nhớ lại từng nơi đã qua trên đất Tầu, tiếc là thời gian tham quan chưa đủ. Còn biết bao điều cần học hỏi chưa lãnh hội được. Với 12 ngày từ Bắc-Kinh xuống Thượng Hải, chỗ nào cũng lướt qua như phò mã xem hoa, chỗ nào cũng chụp hình, cũng nghe hướng dẫn viên giải thích, nhưng thời gian quá ngắn, chua thấm tháp gì. Riêng về ngôi chùa Hàn-San, về bài thơ Phong-Kiều Dạ Bạc của thi hào Trương-Kế cũng còn nhiều điều đáng bàn luận, thí dụ loài quạ có cất tiếng kêu trong đêm hay không v…v…


     Cố giáo sư Lê-Bá-Kông, trong cuốn Dòng Mực Tha Hương cho hay, vì Trung Quốc rộng bao la nên phải đi nhiều lần mới có cái hiểu biết tổng quát. Ông kể đã làm ba chuyến viếng thăm từ Bắc-Kinh, Nam-Kinh, Thượng-Hải, Hàng Châu…rồi Quảng-Đông Quế-Lâm…rồi Quảng-Tây Tứ-Xuyên…và như thế vẫn chưa hết, chưa tới Tây-tạng, Nội-Mông, Tân-Cương. Còn tôi, ngàn năm một thuở mới đi chuyến đầu, vậy mà hiển nhiên đã thấy có nhiều điều đáng ghi lại, đáng tới thăm, chẳng hạn khu Binh Mã Dõng (Terra Cotta Warrior.) thật là một công trình đồ sộ với những hình người, ngựa xe bằng đất nung y như thật vừa được khám phá đào bới làm thành nơi tham quan cho những khách du lịch gần đây. Chúng tôi cũng tới đó, nhưng chỉ xem được một phần ba vì chẳng đủ thì giờ, đành xin hẹn một dịp khác. Dịp nào?, ngàn năm mới có một thuở, làm sao chắc chắn có dịp khác!


     Thì thôi vậy! Thì trước khi chia tay, đành bắt trước mấy kẻ đồng hành, rút cuốn sổ nhỏ đi xin địa chỉ, e-mail,  điện thọai để mai mốt về nhà liên lạc, nói chuyện, bàn luận, hẹn hò, gặp gỡ nhau cho đỡ sầu đời.