Home Văn Học Tùy Bút Cái ghế theo dòng lịch sử

Cái ghế theo dòng lịch sử PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Luân   
Thứ Bảy, 16 Tháng 4 Năm 2011 05:44


              Người ta đã phải chế ra chiếc ngai vàng để đến được với bàn ghế văn phòng hiện nay. Chiếc ghế đã mất 10.000 năm để chinh phục thế giới. Và như thế cũng chưa phải là kết thúc...

 

      Ngai vua Càn Long (1736-1796)

   Trong suốt nhiều thế kỷ, ngồi cho thoải mái có vẻ rất đáng ngờ. Một nông dân ngồi ườn trên ghế là điều không thể có. Ngồi luôn dưới đất sẽ giúp cho công nhân có các dụng cụ trong tầm tay. Ngồi để làm việc gì đó khác hơn là ăn hay làm việc có vẻ thật bất lịch sự. Chẳng hạn như tại Ấn Độ, cơ thể con người cũng chính là chiếc ghế, theo như ý kiến của một nhà nhân chủng học tại Bảo tàng Con người. Ngồi xổm hay ngồi xếp bằng là tư thế của 1/3 nhân loại. Quỳ gối, ngồi trên gót chân là tư thế mà Trung Hoa đã truyền cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng nếu ở mọi nơi và từ lâu người ta ngồi ngay dưới đất, chính bởi vì chiếc ghế vẫn còn là biểu tượng của quyền uy và được dành cho các vị đứng đầu quốc gia hay tôn giáo.

         Ngay từ thời cổ đại, chiếc ghế duy nhất chính là ngai vàng của vua, của quyền lực. Chẳng những nó thể hiện sự giàu sang và tinh tế của chủ nhân mà còn có ưu điểm là tôn giá trị của người này, phân biệt ông ta với mọi người bình thường. Từ Ai Cập cổ đại đến triều đình châu Âu, chỉ có nhà vua được phép ngồi trong khi tiếp khách. Ngay cả các vị thầy giảng quyền uy trong xã hội Ai Cập cũng không có ghế. Họ ngồi xếp bằng dưới đất để làm việc. Ở xã hội Hy Lạp và La Mã, chỉ những nhà quý tộc mới có ghế. Đó vừa là uy tín vừa là giàu sang. Giá tiền của bànghế rất cao đối với người dân bình thường. Một cách biểu trưng, chỉ có các nhà quý tộc mới được phép có tư thế lười nhác như vậy. Sau đó đến thời Trung Cổ ở phương Tây, lúc tôn giáo đang uy quyền, chiếc ghế có lưng dựa và tay ghế là độc quyền của những vị chức sắc tôn giáo. Chiếc ghế dựa kiểu La Mã (chân đỡ hình chữ X) dần dần chuyển sang kiểu ghế lễ dành cho giới cao cấp. Quả thật là đa số các công việc đồng áng hay thủ công đều không cần ngồi. Tư thế ngồi, nếu không phải lười nhác, được dành cho giới trí thức.

         Cho đến thế kỷ 14, các sinh viên đại học dự giảng ngồi ngay trên mặt đất có lót rơm. Chỉ vị giáo sư mới có ghế, chứng tỏ quyền uy và kiến thức. “Sau đó người ta đặt vài chiếc ghế dài, dù lúc đầu chúng có vẻ đáng ngờ” - sử gia Philippe Ariès cho biết. Sự e ngại đó không có tính chất sinh lý mà là xã hội : khi chiếc ghế dài xuất hiện, nó đã phá vỡ trật tự trong cộng đồng giáo dục được điển chế về mặt xã hội.

         Nhưng từ thế kỷ 15, giới quý tộc bắt đầu xem trọng vấn đề tiện nghi và thoải mái, đặc biệt là trong triều đình. Vì thế chiếc ghế bắt đầu có thêm lưng dựa nhồi nhung hay lụa. Vào thế kỷ 16, xuất hiện loại ghế dành cho phụ nữ ngồi tán gẫu. Với lưng dựa căng phồng và tay tựa mở rộng, nó tiện lợi cho áo váy rộng của phái nữ thời ấy. Dù có mặt thực tiển nhưng người ta có cảm tưởng rằng chiếc ghế trở thành lý do để thợ mộc phô trương nghệ thuật và để trang trí. Nó ngày càng tỏ ra thẩm mỹ hơn, chẳng liên quan gì đến chức năng thực tiễn ban đầu.

         Trong cung hoàng hậu, những mệnh phụ không phải là nữ công tước chỉ được phép ngồi trên ghế thấp đơn sơ. Họ thích đứng hơn là ngồi thấp như thế, trong khi các quận chúa và nữ công tước ngồi trên ghế đẩu. Vào thời kỳ đó, giới trưởng giả noi theo phong cách quý tộc và giúp nó tiến triển bằng cách sử dụng các trường kỷ và làm chúng trở nên thoải mái hơn.

         Như thế, lịch sử của chiếc ghế cùng với sự bành trướng của nó liên quan đến đà tiến hóa của mức sống xã hội. Vào cuối thế kỷ 19, khởi đầu thời kỳ công nghiệp hóa và xã hội tiêu thụ, chiếc ghế trở nên chuyên dùng. Mỗi chiếc ghế dùng cho 1 phòng, 1 chức năng : trong bếp, ghế dựa và ghế đẩu thay thế cho ghế dài; ở phòng khách, trường kỷ và ghế bành chuyển mình theo thời đại và mốt. Đến thập niên 60, trong bếp xuất hiện loại ghế xếp để ít choán chỗ. Tại văn phòng, người ta phân biệt ghế bành của giám đốc và khách, ghế dựa cho nhân viên. Thậm chí người ta còn thêm bánh xe vào. Cho dù đã trở nên phổ quát, chiếc ghế vẫn luôn là biểu tượng của quyền uy, và tư thế ngồi bắt buộc sẽ ảnh hưởng đến phong cách. Những ai muốn chiếm ưu thế thường thích ngồi hơi cao hơn người đối diện. Người ta chiếm lấy một chiếc ghế giống như chiếm một vị trí trong nhà, trong xã hội.

         Nhưng phải chăng chiếc ghế được tạo ra để chúng ta ngồi ? Câu hỏi có vẻ ngô nghê, nhưng nếu xét đến hình dạng những loại ghế của các nhà vẽ kiểu hiện nay, rõ ràng là chức năng của chúng nằm ở chỗ khác. Trang hoàng, và nhất là tiếp thị : rẻ tiền để nhiều người biết đến, chiếc ghế bước vào nhà chúng ta không phải với chức năng ban đầu mà để chứng tỏ rằng chủ nhà biết theo thời. Tính bất tiện nghi cũng có ưu điểm : ghế đẩu cao trong các quán bar sẽ khiến khách không ngồi lâu.

         Sẽ rất thú vị khi chú ý rằng chiều cao của ghế thay đổi theo từng nền văn minh : từ 8 đến 30cm đối với ghế châu Phi, và 50cm với ghế châu Âu. Chiếc ghế đẩu thấp tương ứng với tư thế ngồi xổm, với lối sống mà công việc và nghỉ ngơi đều ngay dưới đất. Nhưng tin học và điều hòa không khí sẽ thống nhất cách ngồi của chúng ta. Ngồi cao và thẳng trước màn hình vi tính, ngồi thấp và ườn ra truớc máy truyền hình, con người đã tìm lại tư thế ngồi thông thường.