Home Văn Học Tùy Bút Quá khứ đã chết!

Quá khứ đã chết! PDF Print E-mail
Tác Giả: Đặng Bình Diễm Chi   
Thứ Bảy, 30 Tháng 4 Năm 2011 20:17

Sài Gòn với Long An cũng gần chứ không xa, nên tôi hay về quê, có khi là ngày nghỉ cuối tuần, có khi là các ngày lễ lớn.

Mỗi lần về đều có một cảm xúc khác nhau, thường là vui, riêng trừ ngày 30 tháng 4.

Về đến đầu hẽm, đi ngang nhà người cựu chiến binh mất đi một chân, tôi thường hay nhớ đến câu chuyện của ông ấy. Ngày đi lính không bị gì, lúc bị bọn họ bắt đi gỡ mìn cũng chẳng sao. Nhưng vì miếng ăn để sống, lúc đi thọc trứng kiến làm mồi câu cá lại đạp phải mìn, thế là xong. Ông ấy kể nhẹ tênh, như câu chuyện của ai đâu, rồi nhìn xuống chân "Nếu bị mất nó trong chiến tranh hay lúc gỡ mìn thì... khoái hơn". Chẳng ai khoái bị mất đi một phần cơ thể của mình, chắc là chỉ tiếc cho cái lý do mất mát, nó không đáng.

Về gần nhà, nhìn ngoài xa thấy ba đang ngồi móc củ cỏ bên bờ ruộng, tôi lại nhớ về tấm hình ba đứng cầm chiếc xẻng xúc tuyết trong bộ quân phục rất đẹp được chụp ở Mỹ. Lòng đau nhói!

Họ là tàn dư của Mỹ Ngụy! Tôi đã được dạy như thế.

Có người bảo tôi quên quá khứ đi! Ừ, thì tôi có thể, chứ chắc họ mãi mãi không, trừ khi nằm xuống.

Có đứa bạn hỏi "Mày có bị ai lôi kéo không? Sao lúc này viết về những vấn đề nhạy cảm hoài vậy?" Tôi không khỏi phì cười, nghe cách nó hỏi, giống như trong chốn giang hồ hiểm ác này, tôi đã chọn đi vào con đường "hắc đạo" vậy, và theo nó đó là một sự lựa chọn rất sai lầm, rất rất nguy hiểm.

Cũng có đứa hỏi tôi sao cứ hay nhắc lại chuyện quá khứ, cái gì qua thì hãy cho qua. Ừ, thì tôi được sinh sau chiến tranh, lớn lên trong nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa, biết gì, lấy tư cách gì mà nói hay bình luận về quá khứ, ai đúng ai sai, ai thắng ai thua.

Tôi chỉ nhìn vào hiện tại để nói.

Mười tám năm phổ thông cộng với 4 năm đại học, chẳng lẽ với bao nhiêu đó thời gian chưa đủ để tôi trở thành một người mà họ cố tình nhào nặn hay sao?

Thế nhưng chỉ sau một lúc ngồi trước máy tính với vài cái click chuột, tất cả những gì họ cố dạy tôi bỗng trở thành mây khói, hóa ra giả dối.

Tất cả trong tôi là sự TRỐNG RỖNG, hoang mang. Đâu là sự thật, và tôi nên tin vào cái gì?

Tôi tin vào bản thân, vào sự đánh giá của bản thân, vào sự thật.

Nhưng nhắc lại quá khứ thì có ích gì? Chẳng có ích gì cả.

Cả hai bên đều có thương vong. Những người lính ở hai phía đã chiến đấu vì tổ quốc, vì lý tưởng của mình. Và chiến tranh là do sự định nghĩa khác nhau giữa họ.

Nhưng ít ra để hàn gắn vết thương đó, họ nên chọn một cách làm khác.

Tôi không khơi lại vết thương, mà chính họ. Họ có để cho vết thương lành da đâu, cứ ngày này hàng năm, họ lại bươi nó ra cho rỉ máu.

Tôi không thích cái từ ngữ phản động. Nhưng vì họ cứ hay dùng, nên tôi chỉ lặp lại. Tôi không phản động, người phản động là họ. Họ không hề để quá khứ ngủ yên.

Ngày còn nhỏ, khi tôi vô tình chọn kênh trên tivi ngay lúc đang chiếu một phóng sự hay một bộ phim về trận chiến. Ba tôi nhăn mặt, nói nhỏ "Tắt đi!" và bỏ ra khỏi nhà. Bằng cách đó, ba tôi có thể tránh phải đối diện với nỗi đau xưa. Nhưng có tránh được không với những cái loa phát ra mỗi sáng mỗi chiều. Cái sự tra tấn bằng tinh thần đó còn khốn khổ hơn gấp mấy lần cách tra tấn lên thân thể.

Và những người đã nằm xuống, không ai đáng chết cả. Không ai cả. Đừng khoác lên người họ cái mác bán nước. Trong một trận chiến ngang nhau, anh có Nga, Trung Quốc giúp sức, thì họ có Đồng Minh. Đó là một cuộc nội chiến! Hãy gọi đúng tên thật của nó!

Tôi yêu hòa bình. Tôi nghĩ chiến tranh là phi nghĩa. Tôi không muốn có thêm một cuộc chiến tranh nào nữa. Cũng chẳng ai lôi kéo tôi.Tôi chỉ nhìn hiện tại và nói. Ba mươi sáu năm, thời gian đó đủ dài để hàn gắn lại vết thương, đâu ngắn để xây dựng đất nước, vậy mà hãy xem xem.

Một ngày mà tôi vẫn còn phải mất quá nhiều thời gian trong cuộc sống ngắn ngủi của tôi cho những bận kẹt xe ngoài đường; một ngày tôi vẫn thấy bệnh nhân còn phải nằm khổ sở ngoài hành lang trong những bệnh viện xuống cấp, không đầy đủ điền kiện; một ngày mà tôi vẫn thấy thế hệ sau tôi vẫn học những giáo điều rỗng tuếch; một ngày mà tôi vẫn thấy vấn nạn tham nhũng nhan nhãn khấp nơi và trở thành một thứ luật bất thành văn...;

Thì tôi vẫn sẽ tự nói với mình "Quá khứ đã chết, đã chết một cách hết sức Oan Uổng!".