Home Văn Học Tùy Bút Bà Mẹ Quê

Bà Mẹ Quê PDF Print E-mail
Tác Giả: Đặng Xuân Hường   
Thứ Tư, 11 Tháng 5 Năm 2011 20:33

Nơi thôn quê, bà Mẹ ngoài công việc đồng ruộng, có khi còn chịu khó kiếm thêm thu nhập bằng buôn gánh bán bưng.


Có một bài hát được phổ biến từ lâu lắm rồi, nhưng có lẽ trong chúng ta chẳng mấy ai không biết đến:

“Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu,
“Có đàn, có đàn gà con nương náu,
“Mẹ quê, mẹ quê vất vả sớm chiều,
“Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu…”

Bài hát diễn tả bà Mẹ nơi những vùng thôn quê trên khắp mọi miền đất nước. Việt Nam là một nước nông nghiệp, bàn tay của những bà Mẹ vừa lo toan nội trợ cho gia đình, vừa cày cấy ngoài đồng ruộng. Hình ảnh bà Mẹ quê trong nhạc phẩm “Bà Mẹ Quê” của Phạm Duy cũng chính là hình ảnh những bà Mẹ nơi quê hương thân yêu Bình Giã, một miền quê đồng ruộng bao la!

Từ ngoài Bắc di cư vào Nam, hay sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất Bình Giã, những bà Mẹ đã góp bàn tay cùng chồng con xây dựng lên một thị trấn trù phú đầy sức sống sinh động. Từ nhà tranh vách lá, đường đất lầy lội, nay mọc lên những ngôi nhà gạch khang trang, đường trải nhựa bằng phẳng, phong cảnh xanh tươi…

Để có được cảnh sung túc ngày nay, bà Mẹ Bình Giã đã cật lực cùng chồng con khai khẩn đất hoang cày cấy gieo trồng, đã xông xáo chen chân buôn bán kiếm tiền nuôi con ăn học nên người.

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
“Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” (ca dao)
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
“Nuôi đủ đàn con với một chồng”… (Trần Tế Xương)

Bình Giã trong những năm 1953-54 khởi đầu lập nghiệp, nhà cửa với mái tranh vách lá, phên tre, cuộc sống mặc dù không đói khổ, nhưng cũng rất khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, nhất là về mặt y tế. Bà Mẹ là người chăm sóc cho con cái khi trái gió trở trời, khi cảm sốt nóng lạnh, và cũng không ít bà đành phải chiụ thua số mệnh, ôm con nức nở chia lìa trong nước mắt!

Rồi những người Cha lên đã đường tòng quân giữ làng xóm yên bình, còn lại bà Mẹ phải tất tả ngược xuôi, lớp ruộng đồng, lớp lo cho con cái, nghĩ đến chồng nơi tiền tuyến đêm ngày trăn trở thở dài!

“Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn…
“Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn.
“Lạy trời mưa tuôn cho đất sỏi mềm hạt mầm vươn lên,
“Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình…”
(Ca Dao Mẹ, Trịnh Công Sơn)

Đau thương nhất là có những bà Mẹ, một ngày nào đó, sau chiến trận nơi quận Đức Thạnh, đồn Bình Ba, hay xã Suối Nghệ, hoặc ở một miền xa hơn như Bình Long, Tây Ninh, Quảng Trị, có khi còn xa hơn nữa tận Hạ Lào, vùng biên giới…Bà nhận được tin báo chồng đã tử trận!

“…Ngày mai đi nhận xác chồng,
“Hay đi để thấy mình không là mình
“Ngày mai đi nhận xác anh…!”
(Thơ Trần Thị Ý, nhạc Phạm Duy)

Còn đau đớn nào hơn! Gãy gánh giữa đường! Goá bụa sớm phải một mình nuôi con với đôi bàn tay yếu đuối! Rất nhiều bà Mẹ có con trai phục vụ trong quân đội, ngày đêm ăn ngủ không yên, luôn cầu nguyện khấn xin ơn trên phù hộ cho đất nước mau được thanh bình, đứa con trai thân yêu được an lành sớm trở về với cuộc sống làng quê, rồi cưới vợ để bà có cháu bồng bế. Nhưng giấc mơ nhỏ bé đó đã tan tành, cõi lòng bà Mẹ như bị xé nát bởi bom đạn khi được tin con đã hy sinh cho quê hương! Đã gục ngã trên lằn đạn đau thương giữa hai miền đất cùng máu đỏ da vàng!

Cũng không ít bà Mẹ, qua những tháng ngày chờ đợi mòn mỏi ngày trở về của người thân yêu, thì lại phải chấp nhận cảnh tàn phế của chồng hay con, sau chiến trận đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Mặc dù không mất mạng sống là một điều may mắn, nhưng cuộc sống phức tạp, khó khăn, cộng thêm tinh thần bất ổn của người tàn phế, bà Mẹ phải chịu đựng rất nhiều ức chế tâm lý do hoàn cảnh tạo nên.

“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại?
“Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về!
“Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime, hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã!…
“Anh trở về trên chiếc băng ca, trên trực thăng sơn màu tang trắng…
“Anh trở về trên đôi nạng gỗ,
“Anh trở về dang dở đời em!…”
(Kỷ Vật Cho Em, Phạm Duy)

Vừa lo lắng chịu đựng về tinh thần như thế, vừa giúp chồng con cày cấy. Cuộc sống tất nhiên chẳng mấy được thoải mái. Việc đồng ruộng chẳng nhẹ nhàng! Tất cả những gì phải vận chuyển thì hầu như được đặt trên đôi vai gầy của bà Mẹ, từ việc gánh mạ ra đồng cấy lúa, gánh đậu gánh bắp thu hoạch về, đến việc gánh nông sản ra chợ bán, gánh lúa đi xay…

Nơi thôn quê, bà Mẹ ngoài công việc đồng ruộng, có khi còn chịu khó kiếm thêm thu nhập bằng buôn gánh bán bưng. Có bà chiều chiều gióng gánh trên vai đi dạo từ đầu làng đến cuối xóm, để mua lại buồng chuối, dăm trái mãng cầu, vài trái mít… sáng mai ra chợ bán kiếm ít đồng lời. Có bà cũng gióng gánh đi mua lúa, mua gạo để bán lại làm “hàng xáo”!

Trên ruộng đồng, có lúc rau trái dư thừa như ngọn bầu, rau lang, cà pháo, cà dừa, ớt cay…bà Mẹ cũng chịu khó thu gom đem ra chợ bán, mặc dù biết chẳng được bao nhiêu.

Rất nhiều bà Mẹ đã phải làm những công việc cực nhọc như cày ruộng, đắp bờ, bửa củi…Những năm đầu mới định cư, công việc gánh nước từ cái giếng chung trong làng về nhà để rửa, tắm giặt…hầu hết do các bà, các cô đảm nhận.

Đã khó nhọc thế, vậy mà có những bà Mẹ phải chịu cái cảnh:

“Chồng em nó chẳng ra gì,
“Tổ tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang.
“Nói ra xấu thiếp hổ chàng,
“Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà.
“Nói đây có chị em nhà,
“Còn năm ba thúng thóc với một vài cân bông.
“Em bán đi trả nợ cho chồng,
“Còn ăn hết nhịn cho thoả lòng chồng con!” (ca dao.).

Tệ nạn cờ bạc của mấy ông, ngoài chuyện thiếu trước hụt sau lại còn làm hạnh phúc gia đình chao đảo, chẳng mấy khi cơm lành canh ngọt! Mà bà Mẹ là người hứng chịu nhiều nhất hậu quả này!

Được một điều, thôn xã Bình Giã hầu như hoàn toàn Công giáo, sống chung trong một làng xã, mọi người đều biết rõ nhau, giữ đạo tương đối nền nếp nên các ông chẳng bao giờ “dại dột” theo “lời khuyến khích” của Tiền nhân:

“Trai năm thê bảy thiếp…!”

Các bà thì ít khi có cơ hội trách khéo chồng:

“Gió đưa bụi chuối sau hè,
“Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ…!”(ca dao)

Hoặc phải sống trong cảnh:

“Anh bì anh có tiền bồ,
“Anh đi anh cưới sáu cô một lần.
“Cô Hai buôn tảo bán tần,
“Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa.
“Cô Tư dọn dẹp trong nhà,
“Cô Năm sắc thuốc Mẹ già cô trông.
“Cô Sáu trải chiếu giăng mùng,
“Một mình cô Bảy nằm chung với chồng”! (ca dao)

Và con cái cũng không phải tủi thân ru em bằng câu ca dao:

“Trời mưa bong bóng phập phồng,
“Mẹ đi lấy chồng con ở với ai!…”(ca dao)

Sở dĩ có được như vậy, phần lớn các bà Mẹ Bình Giã là những người đàn bà đảm đang, chung thuỷ, lấy chồng rồi thì coi như chấp nhận tất cả, chẳng kể giàu nghèo, vui buồn, lam lũ.... Các ông có đi ra ngoài giao tiếp thì làm sao gặp được những người mẫu mực như vậy. Dù chân lấm tay bùn, nhưng các cô gái Bình Giã có một quả tim nồng ấm đầy tình cảm. Nhan sắc không chim sa cá lặn, nhưng cũng đầy nét duyên dáng tự nhiên của gái miền quê hiền lành dễ thương!

“Hương đồng quê, hương dễ thương,
“Như cô gái nhỏ trên đường quê hương…”

Lấy chồng, rồi làm Mẹ, các bà lại càng thể hiện cái tình cảm người Mẹ một cách ý nghĩa hơn. Thức khuya dậy sớm, lo toan đủ thứ. Có những bà Mẹ rất xót xa phải để con nhỏ ở nhà cho anh chị lớn trông nom, rồi cùng chồng ra đồng ruộng, mà anh chị lớn thì cũng chỉ mới tám chín tuổi đầu, chiều về thấy con lem luốc đòi sữa Mẹ mà rưng rưng nước mắt cho con bú.

Có những bà Mẹ, ngày ngày với chiếc xe đạp, rong ruổi khắp làng trên xóm dưới, ra đến Ngãi Giao, vào tận Xuân Sơn… để mua từng yến đậu, từng ký tiêu, hạt điều…về bán lại cho chủ vựa để kiếm ít tiền lời công đi lại. Từ sáng đến chiều tối mới đẩy chiếc xe đạp về tới nhà, vậy mà nhiều lúc vừa kịp đặt hàng xuống thì đã phải lăn xả vào bếp nấu nướng cho đám con nheo nhóc đòi cơm ăn!

Chẳng bao giờ đi chợ về mà Bà Mẹ lại quên cho các con một một ít quà vặt, dù chỉ là cái bánh tráng, cái bánh nếp, hay mấy cái kẹo, ly chè, chén đậu hũ…Lắm khi chẳng đủ tiền đi chợ, phải mua thiếu, phải vay mượn tạm chị em, hàng xóm để có mà chi dùng cho qua ngày, chờ đến lúc thu hoạch hoa màu trả sau.

Dịp Tết, có khi phải chạy vạy cách này cách khác để mua sắm cho gia đình ăn Tết, mua cho mấy đứa con bộ đồ mới mặc Tết…Những lúc đó, có khi những người khác thì vui sướng đón Xuân, áo quần bảnh bao, rượu trà thoải mái…còn những bà Mẹ, có người mừng Tết mà lo lắng trong lòng, nén tiếng thở dài nghĩ đến món nợ mừng Xuân phải trả trong những ngày sắp tới!

“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
“Tình Mẹ tha thiết như đồng lúa chiều rì rào,
“Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ…!

Nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác nhạc phẩm bất hủ “Lòng Mẹ”, rất khó có một bài hát nào khác nói đến lòng Mẹ một cách tha thiết tình cảm như vậy, thế nhưng lại dễ dàng nhìn thấy tình cảm đó ở các bà Mẹ nói chung, và nhất là lại càng thấy rõ ở các bà Mẹ Bình Giã, những bà Mẹ thực sự vất vả sớm chiều nơi đồng ruộng, dầm sương giãi gió, buôn thúng bán bưng…một đời hy sinh cho chồng con, chịu đựng tất cả vì chồng con!

Các bà Mẹ được nhớ, được vinh danh chung trong các dịp Lễ Quốc tế Người Phụ Nữ ngày 8-3, Lễ Mother’s Day ở Mỹ vào trung tuần tháng Năm, ngày Tết Âm lịch truyền thống của Dân tộc Việt Nam, ngày Tết Đoan Ngọ (tháng Năm, Âl)… những dịp đó chắc chắn các bà Mẹ cũng nhận được những tình cảm đầy yêu thương, tri ân của chồng, con, của cháu chắt…

Có một nhà văn đã viết: “Vì không thể hiện diện khắp nơi trên địa cầu nên Thượng Đế đã tạo dựng nên Bà Mẹ!”. Lời ca tụng đó thật xứng đáng cho tất cả các bà Mẹ, đặc biệt cho những bà Mẹ nơi miền đất Quê hương yêu dấu Bình Giã, đầy đất đỏ bùn lầy của miền đồng ruộng!