Home Văn Học Tùy Bút Tản mạn về ngày Lễ Cha

Tản mạn về ngày Lễ Cha PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan   
Thứ Hai, 20 Tháng 6 Năm 2011 06:42

 Viết một cái gì đó về ngày lễ cha.
Muốn viết. Phải viết. Nhưng lại không xác định được một cách rõ ràng mình sẽ viết cái gì.

Những ông bố nói về chuyện mình làm bố?
Những đứa con nói về bố mình?
Những suy nghĩ của chính mình về bố?
Cái gì cũng bị sếp gạt ra, bởi bình thường quá, tầm thường quá, giống mọi người quá.
Phải là một cái gì thật đặc biệt.
Phải là một cái gì thật khác người.
Có ông bố nào là gà trống nuôi con?
Có đứa con nào nói về ông bố đang trong tù?
Có đứa con nào lớn lên không hề có bố?
Có.
Nhưng.
Không một ai muốn kể câu chuyện của chính mình.
Có gì mà kể chứ! Hay ho gì khi nói với người ta là vợ mình bỏ theo trai để lại con cho mình chăm sóc. Hay ho gì khi kể với mọi người mình có một ông bố đang ở tù, dù là tội gì. Hay ho gì để kể với mọi người mình là một đứa không cha.
Ra, muốn viết về những người bố thật là không dễ.
Bố là đàn ông. Ðàn ông không hay kể. Ðàn ông không hay thổ lộ.
Bố là đàn ông. Ðàn ông không hay nói về công ơn. Ðàn ông không hay tâm sự để người ta có thể thấy những góc yếu lòng.
***
Nhưng tôi vẫn muốn viết điều gì đó về những người bố.
Ðó là một người bố suốt mười mấy năm đi bưng phở, gà trống nuôi 3 đứa con ăn học.
Từ tiệm phở này sang tiệm phở khác, cốt sao gần nhà bởi người bố không có xe. Bố chắt chiu tằn tiện để nuôi 3 con bằng chính đồng lương của người bưng phở chứ không sống nhờ vào tiền trợ cấp.
Bố để dành tiền tip trong suốt bao năm để khi đứa con gái lớn vào đại học, có tiền mua cho nó chiếc xe cũ. Rồi cũng bằng tiền tip từ những tô phở, bố mua xe cho đứa thứ hai. Ðứa thứ ba vừa tốt nghiệp đại học, rồi bố cũng sẽ mua xe. Những chiếc xe cũ bằng những đồng tiền tip của một người bố gà trống nuôi con trong suốt bao năm ròng.
Nhưng đừng nghĩ đến một hình ảnh đẹp như trong tiểu thuyết. Bố và các con rất ít khi trò chuyện. Bố đi làm nhà hàng 12 tiếng mỗi ngày. Giờ bố về, cũng là giờ con sắp lên giường ngủ.
Cứ vậy, lặng lẽ.
Bố làm tròn công việc nuôi con của một người bố, đói cho ăn, rách cho mặc. Con cứ theo năm tháng lớn lên. Tốt nghiệp. Ra trường. Ði làm. Bố có những nỗi niềm của bố. Con có những tâm sự của con. Không có sự chia sẻ giữa bố và con. Bởi lẽ, bố là đàn ông, bố không biết cách gần gũi để cho con biết rằng bố thương con. Bố không biết tiếng Anh để dễ dàng nói chuyện với những đứa con đã quen nhiều tiếng Anh hơn tiếng Việt.
Bố dành hết cho con cái tình của bố. Nhưng trong một góc, bố lại tự ti với chính mình.
***
Tôi vẫn muốn viết điều gì đó về những người bố.
Ðó là một người bố chu toàn luôn nhiệm vụ người mẹ.
Từ lúc hai con còn nhỏ dại, bố đã là người tắm táp, thay tã cho con. Bố là người lên lịch đưa con đi bác sĩ, đưa con đi khám răng. Bố là người mỗi sáng đưa con đến trường, mỗi chiều rước con tại lớp.
Bố chu đáo quá, mẹ không còn chỗ để thể hiện mình là mẹ. Mẹ chỉ còn mỗi việc hằng ngày đến shop may, tối trở về nhà. Mọi sự tươm tất đã có bố lo, sau giờ bố đi làm. Vậy là mẹ có “bồ”. Mẹ ra đi với người đàn ông khác.
Thương con không có mẹ, bố chấp nhận thứ tha. Thế nhưng, “chỉ cần bố là đủ. Hai con không cần mẹ nữa. Mẹ không xứng đáng”. Hai con nói vậy, bố cũng nghe theo. Bố không chỉ là bố, bố làm luôn nhiệm vụ người mẹ. Con gái lớn lên, đến kỳ đến tháng, bố là người mang con đến bác sĩ phụ khoa.
Bố không biết mình có tiếp tục mãi quãng đời gà trống nuôi con thế này không, nhưng ít nhất, cho đến lúc này, bố đã luôn trọn vẹn là “bố mẹ” của hai con.
***
Tôi vẫn muốn viết điều gì đó về hình ảnh người bố trong mắt những đứa con.
Một ngày trời nóng, đứa con đi tìm mua cái quạt. Lựa hoài vẫn không có cái nào ưng. Cái đẹp thì mắc, cái rẻ thì đương nhiên là không đẹp. Bất chợt, đứa con chọn mua một cái quạt nhỏ. Ai khen chê gì nó mặc kệ. Chỉ mua cái quạt này thôi, bởi vì, nó giống y chang cái quạt ngày xưa của ba nó...
Nó nhớ ngày ba má nó ly dị, tòa xử má nuôi hết cả ba đứa con. Ba dọn ra ngoài. Trước khi đi, ba xách chiếc quạt Sanyo đi cùng ba. Lúc đó, cái quạt là tài sản duy nhất có giá trị trong nhà. Nó nhớ tay ba xách một túi đồ, tay kia tòng ten cái quạt. Ra tới cửa, ba nói, “Ba đi nha con.”
Nó đang chơi với em. Nó không khóc khi thấy ba ra đi. Nó vui là đằng khác, bởi từ nay nó không còn phải chứng kiến cảnh ba má nó cãi nhau.
Thế nhưng, trời Sài Gòn nóng. Mỗi lần mỏi tay quạt cho đứa em ngủ là nó lại hậm hực ghét ba, “Tại sao ba lại xách cái quạt đi chứ?”
Chục năm sau vừa đủ lớn, nó đi tìm ba để đòi cái quạt. Ba nó đã có gia đình khác và một đứa con nhỏ. Nó nằng nặc đòi ba nó trả lại cái quạt đã cũ rích. Ba nó bảo, “Không được. Thằng nhỏ còn chút xíu. Nó cần cái quạt.”
Tự nhiên, nó bật khóc, nó gào thiệt to, “Ngày đó, em con cũng nhỏ xíu, nó cũng cần cái quạt, sao ba không để lại cho nó.” Ba nạt nó là “đồ hỗn láo”.
Nó ra về, càng dày thêm nỗi ghét ba nó.
Rồi nó đi làm. Có tiền, nó mua quạt về treo đầy nhà, cho bõ ghét chuyện cái quạt ngày xưa.
Vài năm sau, ba nó mất. Chuyện cây quạt trôi theo quá khứ.
Ít năm nó cũng theo chồng sang Mỹ. Nhớ nhà, bao nhiêu chuyện cũ ập về, ám ảnh nó trong giấc mơ hàng đêm, trong đó có cả chuyện cây quạt của ba.
Lần theo những lớp học art, nó chép hết chuyện xưa lên tranh. Nước mắt nó thấm theo từng sợi chỉ tỉ mỉ may, tỉ mỉ thêu. Nó hy vọng nhớ, hy vọng quên, hy vọng được thanh thản. Cho nó. Cho người đã mất. Cho con gái. Cho ba.
Thêu xong những kỷ niệm xưa lên tấm tranh, nó bỗng suy nghĩ về ba nó khác hơn. Có lẽ chiếc quạt là kỷ niệm của ba nó hồi xưa. Ba không thể nào rời xa được. Là con nít khi đó, nó không thể hiểu hết được điều đó.
Nó bỗng nhớ lại rằng, ngày xưa, ba cũng thương nó nhiều lắm. Ba là người đầu tiên lên khung và treo những bức tranh đầu tiên nó vẽ. Ba rất tự hào khoe với các bạn đồng nghiệp mỗi lần nó có tranh lên lịch hay đăng báo. Lúc nó vào đại học, bao nhiêu sách vở, tài liệu học của nó, là của chính ba đưa.
Nó nhận ra rằng hồi đó nó ghét ba nhiều như vậy, chắc để phần nào mong làm vừa lòng má nó, bù đắp lại những bất hạnh của má nó.
Ðể bỗng nhiên hôm nay, nó tìm mua đúng cây quạt của ba nó ngày xưa.
Không phải mua về cho bõ ghét, mà nó muốn nhớ rằng một thời nào đó, rất xa rồi, nó cũng có ba trong đời, như mọi đứa trẻ khác.