Home Văn Học Tùy Bút Nghẹn Ngào Nỗi Đau

Nghẹn Ngào Nỗi Đau PDF Print E-mail
Tác Giả: SE sưu tầm   
Thứ Năm, 10 Tháng 11 Năm 2011 06:44

Giòng người đen nghịt nối đuôi nhau đi chỉ một chiều xuôi về miền biển…

Bầu trời xanh lơ điểm những hoa mây trắng qùy gối trên mặt hồ Xuân Hương sáng loáng như tráng men, rồi mây kéo lê thê bay vắt qua sườn đồi buồn thiu, mây lang thang trên con đường mòn đất đỏ vắng tanh, mây bò lên sườn dốc đầy cỏ vàng úa. Trong vùng sương mù và mây trắng xóa đó, tôi an phận đi và về giữa tiếng tíu tít và giọng cười nắc nẻ của các cô gái lí lí lắc lắc đang vui tươi ôm cặp đến trường. Cái lạnh cuối xuân mơn man lành lạnh ơn ớn len lén bay về làm tê tê bờ môi vụng dại, khiến hai gò má phụ nữ và trẻ em luôn ửng hồng. Những tà áo dài trắng hòa với sương mai mờ mờ lung linh quyện lẫn vào nhau trong màn sương mênh mông. Mây và sương ru tôi vào mộng tưởng hoài mong luyến nhớ vô vàn.

Tôi chợt cảm thấy lòng mình ấm lại những niềm vui khi ngày ngày tôi vẫn bình an, ung dung vui vẻ từ nhà đi trên đường quen thuộc đến nơi dạy học. Vợ chồng tôi đã có bốn con. Chồng tôi (Luật) phục-vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lịch sử Việt Nam đang còng lưng vác trên vai những tang thương đau đớn, dày vò, bi thảm tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh hung tàn. Và hạnh phúc đơn sơ ấy chẳng có được bao lâu, nay sương muối mù mù nặng hạt còn thấm ướt mái tóc, khi tôi đứng lớp giảng bài, thì Luật hớt-hải chạy đến giữa những khung cửa kính kêu rè rè, bể loảng-xoảng, nâng nỗi khiếp sợ lên giếng mắt nhau. Ngoài xa, xa mãi tận hướng Du Sinh, hay Suối Vàng thì phải, từng hồi pháo-kích đì đùng nổ rền trời. Khói đen nghịt kéo theo mùi cháy khét tởm lợm, cùng sức nóng rợn người. Có điều gì lo nghĩ đắn đo phiền muộn hay sao, mà khi anh nhìn vào giếng mắt tôi, Luật đã vội vàng cụp mắt xuống, chơm chớp hai giọt mọng nước và quay đi lãng tránh, mà báo tin động trời chẳng lành:
- Mười ơi! Có lệnh từ thượng cấp cho ông già bà lão, phụ nữ, trẻ con di-tản gấp. Còn toàn thể quân nhân, cảnh sát, nam công chức, thì tuyệt đối phải tử-thủ tại Đà Lạt.

Tôi nghe Luật báo tin ấy, cảm thấy rụng rời bàng hoàng như sét đánh ngang tai. Tôi sực nhớ đến chuyện động trời: ngày 9 tháng 3 năm 1974, tại trường Tiểu-học Cai Lậy có loạt đạn 82 ly nổ rền. Ôi! Coi trên truyền hình có đoạn thời sự đã chiếu đi chiếu lại: thấy hằng trăm trẻ em vô tội chết đau đớn thảm thiết, thương tâm xiết bao! Bỗng dưng tôi lại nhớ vào khoảng năm 1973 có một thời người ta ùn ùn leo lên núi Lâm Viên để: xin nước của Phật Bà ban phước cho bá tánh, hầu trị tà ma bình an hay bệnh tật. Bà chị ruột của tôi đã đi. Và nữa… một số thị dân Đà Lạt nhiều người truyền tin cho nhau rằng: “Từ những cánh rừng xa hun hút, suốt ngày đêm đã xuất hiện nhiều đàn sâu róm nối đuôi nhau lũ lượt kéo xuống biển. Sâu róm chết la liệt trên đường (lúc băng qua đường). Những xe khách, xe đò, xe nhà đi từ Đà Lạt xuống Phan Rang… đều thấy”. Tôi không biết chuyện tiên tri về đoàn sâu róm và đoàn người sống trên đời lố nhố bỏ núi rừng băng đường vượt sông ùn ùn ra biển, thực hư ra sao. Tuy nhiên tôi tin rằng nếu ai đã từng sinh sống ở vùng Cao Nguyên thời ấy, đều biết, hoặc nghe rõ về chuyện Phật Bà hiện lên chỗ nọ chỗ kia, có cả chuyện mặt trời xoay quanh phụ nữ tiên mặc áo lụa trắng, thắt lưng xanh, tay bế hài nhi đứng trong vầng mây ...và đoàn sâu róm nườm nượp đi xuống biển.

Bây giờ tôi chưa biết tình hình náo động nầy sẽ ra sao, nên càng run sợ tột cùng! Phải cho các em học sinh dọt lẹ mà thôi. Tôi thều thào dặn-dò học sinh thu dọn sách vỡ lo chạy nhanh về với gia đình. Trong trường tôi có cô Phùng dạy sát bên vách lớp. Phùng xin tôi cho vợ chồng và đứa con nhỏ đi theo. Cuối cùng vô chồng tôi đồng ý cho họ đi nhờ xe nhà về Nha Trang. Vì Phùng không có phương tiện di chuyển, mọi ngả đường bộ về Sài Gòn bị phong toả, bế tắt. Chính phủ đã trưng dụng hàng không dân sự, để làm những việc hữu ích khác. Duy chỉ còn quốc lộ chính từ Đà Lạt xuôi về miệt Phan Rang, Nha Trang, Phan Thiết là có thể chưa bị mất. Không có một chiếc xe đò chở khách, nếu ai may mắn lắm hoạ may chủ xe cho lên ngồi trên mui, nhưng giá tiền một người đắt gấp mười lần giá thường ngày. An toàn nhất là ngoại trừ ai có xe nhà. Vợ chồng tôi vội leo lên chiếc Peugeot 404 của mình chạy về nhà. Đồ đạc trong nhà đầy dẫy! Tôi lính quýnh quờ quạng run rẩy không biết lấy thứ gì? Làm sao có thể gom đi cả gia tài đã dành dụm suốt đời người trong chiếc xe bé tí xíu? Luật la:
- Nhanh lên em. Bỏ của chạy lấy người. Còn người còn của mà. Mẹ, em và các con, cứ lo đi đi. Anh ở đây sẽ tìm cách gửi từ từ những thứ cần thiết theo xe đò xuống Nha Trang, cho mẹ con em dùng sau.

Trong khi chờ đợi tôi thu xếp hành trang, Luật kiểm soát xe cộ, sau đó anh báo với tôi sẽ đi châm xăng, dầu nhớt vào xe hơi đầy đủ. Tôi dặn dò các con thu xếp gọn gàng sách vở bút viết cần thiết, bỏ vào mỗi cái cặp riêng của con cần mang theo. Tôi không còn tâm trí để nhớ một cái gì, lấy cái nầy thì tiếc cái kia. Vì ngôi nhà đồ sộ sẽ buồn tênh và trống trải, mất mác hết khi vắng chủ nhân. Có thể ngôi nhà sẽ không bao giờ đón chúng tôi trở về. Mặc dù tôi đã để lại hết tất cả gia tài cồng kềnh quý giá, nặng nề, do công khó lao nhọc bao năm vợ chồng tôi tằng tiện dựng xây mua sắm. Tôi không giàu có lắm, nhưng giờ đây thì thứ gì cũng có thể không còn, tuy sự cần cù nhẫn nại chịu đựng, lòng tin yêu, độ lượng và tự trọng thì tôi không thiếu. Cái gì đời cũng ưu ái cho tôi sao!? Nhưng chưa chắc bây giờ tôi cần những thứ đó. Giống như chiếc xe thổ mộ đã chở quá đầy hàng, nếu chất thêm vài trái dưa lên nóc, chẳng biết xe và dưa sẽ đỗ lăn mất lúc nào. Vậy thì ta nên giữ lại những thứ gì thật sự cần thiết trong lúc khẩn cấp mà thôi.

Tôi lo nấu hai nồi cơm hơi nhão thật to, dùng khăn ẩm vắt ra từng nắm nhỏ. Tôi gói chà bông, ký lạp xưỡng, khô cá, khô bò, mấy kí giò lụa, dưa leo, cà chua, cà rốt, rau sống, hai thùng mì gói, mươi bọc cơm sấy, mấy ổ bánh mì ba tê gan và bơ sữa, tiêu, xì dầu, muối, đường... Có sẵn nồi xôi đậu xanh, nồi cá thu kho măng với thịt ba rọi ngày hôm trước còn dư, cả nồi trứng thịt heo kho Tàu đầy, do mẹ Luật đã nấu hồi sáng. Vừa làm các công việc trên, tôi bồn chồn lo lắng, bồi hồi, luyến tiếc về sự ra đi. Bởi vì tôi không thể biết cuộc ra đi sẽ lành dữ ra sao, các con trẻ bé dại cùng đi với bạn bè trên dưới hai mươi mấy người (chung chuyến ở hai chiếc xe khác nữa của bạn). Nếu bị lỡ đường, chúng tôi sẽ có thức ăn chia sẻ cho nhau lót dạ. Tôi khiêng một thùng nhựa 20 lít nước lọc ra sân. Hai cái bô có nắp đậy. Mùng, mền, quần áo len, quần áo mỏng, giày, dép linh tinh... cho bà mẹ chồng, tôi, và các con chu đáo, tươm tất.

Đã gần đến giờ hẹn, nhưng không thấy Luật đâu cả, tôi quá sốt ruột lo lắng vô cùng. Thì ra Luật chạy vào trong Hà Đông báo tin cho gia đình ông cậu Cương của anh, và gia đình bà Tề lo liệu di tản. Thật là tội, ở trong ấp mù tịt chuyện thời sự náo loạn, họ ung dung đi tưới rau, không hề biết chuyện nhốn nháo ngoài phố ra sao. Thế là Luật phải đưa cậu Cương ra phố bán hai cây vàng. Cầm đồng tiền giấy nhẹ, có thể mua gì cũng được, hơn cầm cả thỏi vàng, chả lẽ mua ly trà, ly nước dừa, mà đưa cả chỉ vàng, hay cả lượng vàng ra? Mất toi mạng như chơi. Có mà điên! Hầu hết các tiệm vàng trả giá rẻ mạc hai cây vàng, họ mua có năm mươi ngàn! năn nỉ hoài mà chả ai thèm mua giúp. May sao có bạn của Luật (anh chị Kim là chủ tiệm vàng ở Tùng Nghĩa đến nhà chờ đi chung) mua giúp cho cậu. Kim chạy giặc có những bọc vải ruột tượng, túi áo túi quần cả gia đình đâu đâu cũng vàng là vàng nặng trĩu. Họ rất sợ mất toi mạng vì thời buổi loạn ly mà có hằng tá vàng chình ình cả đống thế kia, chẳng khác nào “lạy ông tui ở bụi nầy” làm thể nào thu dú đâu được. Gia đình anh Kim cần đi chung với bạn bè có đông người thân thuộc, là điều rất mừng. Anh tin và gửi nhờ bạn mang mấy bọc vàng không sợ bị cướp giật giữa đường. Anh Kim móc túi lấy bốn trăm ngàn đưa cậu, đó là anh trả cho cậu giá rất cao, coi như Kim cho cậu tiền, chứ không phải anh mua vàng. Cậu của Luật vui mừng khôn xiết, cậu lo chạy nhanh về nhà thu xếp.

Các bạn thân hẹn nhau tập họp ở nhà tôi đúng hai giờ chiều là lên đường. Dưới chân đèo Krong Pha nhìn lên Đà Lạt tít mù cao, những bè mây trắng xoá kéo thành một dong dài, mong manh lả lơi như hơi sương quấn ngang đồi thông tiếp nối đồi thông rủ tóc, trải thành dải sô tang quấn trên triền quê hương. Đồi thông từ từ khép bức màn sô tang mỏng dính trong gió rì rào lao xao lay động cây cành nghiêng ngả. Rừng lá thấp xưa kia xanh thẩm mịt mùng ngút ngàn bao cây gỗ quý, hôm nay hầu hết cây cối xơ xác héo úa. Tôi thực sự xa nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi đó, còn cha mẹ, anh, chị, các cháu, chồng tôi (anh phải nghe theo lệnh cấp trên ở lại Đà Lạt tử thủ), người thân xóm làng hiền hòa. Không hiểu họ sẽ xoay-xở ra sao khi tiếng đạn pháo ngày càng đinh tai nhức óc, dồn dập rót về trên đầu? Thỉnh thoảng súng đạn vun vút rền vang nơi xa xa, tạo thành những đường dài sáng loáng tóe lửa, vút qua vút lại trên bầu trời.

Con đường cái quan ngày xưa rộng thênh thang, nay chật như nêm. Đoàn xe nhà tôi và bạn gồm ba chiếc nối đít nhau chạy qua khỏi Krông Pha, tôi chẳng hề thấy ai đi ngược lên lại hướng núi, nơi chúng tôi đang đi xuống. Giòng người đen nghịt nối đuôi nhau đi chỉ một chiều xuôi về miền biển… Tôi định tâm nhìn quanh thấy hàng hàng lớp lớp xe hơi lớn, xe hơi nhỏ, xe lam, xe gắn máy, xe đạp, xe ba gác, xích lô, mà biết là hầu hết mọi người có phương tiện di chuyển như xe hơi nhà, xe jeep, xe GMC, xe honda, xe lam, xe ngựa, xe bò... cùng bầy trâu, bò, heo, chó, ngựa, gà vịt, chen chúc với người và người… tất tả xô đẩy nhau chạy bộ trên con đường chật như nêm, hổn-độn nối đuôi nhau chạy đi, chạy đi... ứ nghẽn. Họ lũ lượt kéo nhau tấp nập vội vã đi đông hơn kiến, kể cả những người gánh gồnh, vai mang lưng cõng, đều nối đuôi nhau lũ lượt tất tả lê lết đi bộ, bàn chân họ cột những tấm quần áo chen lấn trên đường nhựa nóng muốn rộp da.

Trên đầu súng đạn luôn ì oành nổ ầm ầm đùng đùng, oằng oằng oằng… pằng pằng pằng… chẳng lúc nào ngớt. Nhiều tràng súng từ xe sau ria tới tấp xẹt tới, xe chở những bao bố tiền to khổng lồ, tiền ơi là tiền rơi kín một góc đường phố và bay tá lã theo gió lồng lộng, mà các thứ xe cứ vùn vụt chạy đi, chẳng biết có ai dám cả gan đứng lại khum xuống nhặt tiền dưới cơn mưa chì bão lửa đó không? Cảnh thương tật, khóc than, thét mắng, đói khát, chết chóc, lẫn trong tiếng súng đạn gầm rú xa gần, khiến mọi người bị hút vào điệu quay chóng mặt, bàng hoàng đến rợn người. Những pha cướp giật bóc lột đánh chém nhau dã man và trắng trợn ven đường nhiều vô số kể. Gầm rú. Hò hét. Chửi rủa. Đánh đập. Nhìn bộ hành kiên nhẫn đi vội vàng, dáo dác nhìn ngược ngó xuôi, lo lắng bước thấp bước cao như thế, lòng tôi bâng khuâng nỗi đau xót lạ thường, tim chùng xuống ngàn đắng cay ngậm ngùi không thể tả.

Mãi đến buổi hoàng hôn khi qua khỏi Phan Rang đầy gió cát, tới Ba Ngòi nóng bức xé da. Đoàn xe di tản chậm hẳn lại, dường như không còn sức sống, cạn kiệt nguồn sống rồi chăng, những xe khác không còn yêu xăng, nên xe ù lì nằm ụ từng đám rải rác trên đường từ Phan Rang tới Ba Ngòi, xe chẳng thèm nổ chạy nữa rồi!

Mẹ con tôi ôm nhau ngồi lặng-lẽ trên xe, cúi mặt thút-thít khóc, lòng tôi rối bời, ngổn-ngang trăm mối, lo-sợ tột cùng. Tôi cho con nhỏ mẹ già di tản, thì ăn ở đâu, ngủ ở đâu? Nhưng ba bên bốn bề ai ai cũng ùn ùn lũ lượt kéo nhau đi, đông kinh khủng thế nầy. Nếu gia đình tôi ở lại, có lẽ càng cô độc và sợ hãi hơn khi bóng đêm bao trùm xuống vạn vật, súng đạn ùa về nổ chát chúa, đinh tai nhức óc mỗi đêm thế nầy, làm sao đây!? Lương quân-nhân, công-chức, như “tiền lính tính liền”, rồi sẽ ra sao khi bồng bế nhau chạy về nơi vô-định? Mấy lúc trước tôi đã bòn nhặt cất dấu được một số tiền kha khá, (đề phòng khi hữu sự bất chợt như bây giờ, thì có mà chi dùng). Nào ngờ, Luật thấy trong nhà có tiền, anh nghe bạn than thở, là thể nào anh cũng “réo rắt, xeo nạy” cho bằng được, để anh mang tiền đi đưa cho bạn bè mượn. Cả chục lần thấy chồng ỉ ôi thở vắn than dài, “dằn vặt đay nghiến” tôi. Dù tôi đã quyết dú đút tiền cất đi, nhưng rồi tôi vẫn “lạt lòng nhẹ dạ” không nỡ từ chối lời anh yêu cầu. Vả lại, tôi không phải là loại đàn bà mê tiền hám lợi, bo bo ôm rịt giữ kỹ tiền, thấy vàng bạc là mắt sáng như đèn pha. Tôi “dại lòng” nên trút hết hầu bao, đưa tiền để anh đem cho bạn mượn trước mặt tôi. Thật ra tôi cũng biết hoàn cảnh tùy gia đình mỗi người bạn, đều khó khăn rất tội nghiệp. Họ có tự trọng nhưng quá khốn đốn mới muối mặt nhờ giúp đỡ. Bây giờ bất ngờ ra đi nên tôi chẳng còn dư bao nhiêu tiền, thì nếu mẹ con tôi không lo chắt bóp ăn rau ăn cháo, chắc là chết đói nơi xứ lạ quê người thôi. Nghĩ tới đó là tôi cảm thấy quá sợ hãi!

Gió lồng lộng thổi những hàng cau lao xao cúi rạp mình gần sát đất, khi những trái hỏa châu mắt thần bùng nở đỏ bầu trời nghiệt ngã đang đè lên đầu nhân thế, hòa cùng khói thuốc súng và từng đám mây trắng bay vội vã như đàn cừu hốt hoảng té chạy tứ táng trên đồi cỏ khô. Tiếng súng đạn bay vút lên không trung, tạo thành những màn nhện đỏ au đan chéo qua chéo lại, có đường cát tuyến tiếp tuyến trên không gian mịt mù, tiếng đạn nổ dòn, hòa cùng tiếng lao xao của rừng xoài, tiếng côn trùng đồng loạt tấu khúc dạ trường ngọt ngào bất tận… Đêm cuốn đi bởi giòng cuồng lưu cuồn cuộn xô đẩy nhau chảy theo làn sóng người đang tìm cách thoát thân khỏi tai trời ách nước.

Trời sập tối thì chúng tôi đến gần Vịnh Cam Ranh, nơi có chỗ neo tàu sâu, có sân bay chắc chắn và an toàn, có câu lạc bộ, có nhà máy làm nước đá, có hệ thống ra đa tối tân nhất bây giờ. Vịnh Cam Ranh là một lợi thế chiến lược tốt nhất của vùng Đông Nam Á. Từng là nơi tiếp liệu xăng dầu cho hạm đội trong chiến tranh Nhật-Nga từ 1904 > 1905 ngày xưa là thế, mà nay im lìm câm nín.
* * *

Đoàn chúng tôi cùng đi gồm: gia đình Trần Văn Ngọc: (mười chín người). Gia đình tôi (sáu người). Gia đình cô Phùng (ba người). Gia đình anh Bàn (mười người). Gia đình Kim mười người, (Kim từ giã chúng tôi đi về hướng Phan Thiết, có thân nhân ở đó). Nhà anh chị Trí ở Cam Ranh, mười tám người, và không kể họ hàng di tản. Nay ở tại nhà anh Trí có thêm đoàn chúng tôi, vị chi tại nhà có cả thảy là 58 người! Kinh khủng quá. Anh chị Trí, mẹ anh, em gái và các con anh chạy ra mừng rỡ tíu tít rôm rã chào đón. Chúng tôi đến bất ngờ, tôi, Phùng, gia đình Ngọc, Bàn, cùng hùn tiền đưa chị Trí, nhờ chị đi chợ nấu ăn giúp có lẽ vài bữa. Ban đầu chị Trí nói qua loa, không nhận. Nhưng sau thấy chị Bàn nhét tiền vô túi, chị Trí mừng rỡ xách giỏ đi chợ. Phút chốc hai ba nồi cơm trắng to tướng, nồi canh chua cá chim, cá thu kho và rau sống, rau muống luộc, đã đọn lên đầy nhóc. Những người mới tới dùng bữa no nê ngon lành. Nhưng tôi và Phùng có con dại, mệt quá nên chỉ ăn qua loa nửa chén cơm, rồi đi tắm rửa, giặt giũ áo quần. Phùng và tôi leo lên giường rù rì nói chuyện tới khuya. Phùng bảo đảm với tôi là chỉ cần chúng tôi an toàn tới Nha Trang, thì mẹ con tôi sẽ ở nhờ tại nhà bà cô của Phùng. Nghĩa là hai gia đình tôi và Phùng sẽ tách riêng gia đình: Ngọc. Quý. Cúc. Bàn. Ở Đà Lạt là quê hương tôi, dù gì tôi cũng dễ dàng xoay trở. Nếu về Nha Trang thì coi như tôi bơ vơ, lạc lõng. Tôi chỉ quen thân duy nhất cô Oanh trước kia dạy học ở Đà Lạt, hai năm nay Oanh đã đổi về Nha Trang. Chẳng biết Oanh có còn ở chỗ cũ không?! Còn Phùng về Nha Trang thì bà con hai họ nội ngoại có nhiều. Phùng hy vọng có thể lưu lại nhà thân nhân một thời gian, và tìm cách trở về Sài Gòn. Tôi thật mừng khi có Phùng cùng đi.

Bốn giờ sáng hôm sau, chị Trí lo dậy nấu mấy nồi cơm, canh cá tươi thật to như tối hôm qua. Tôm, cá, mực ở miền nầy quá rẽ so với Đà lạt. Chúng tôi ăn uống no nê xong, tất cả ba đoàn xe chúng tôi từ giã anh chị Trí, lên đường đi Nha Trang. Khi tôi tới chỗ trạm đổ xăng, vì xe hơi của tôi cũng cạn xăng, tôi đi tìm hầu hết mấy trạm xăng, không nơi nào mở cửa. Các chủ trạm xăng đều nói: “từ đây về Nha Trang các trạm xăng đều bị hết, khan hiếm, đóng cửa không có xăng từ một tuần nay”. Trời ơi! Lẽ ra tôi còn bình xăng phụ hơn mười lít dự trữ mà Luật đã bỏ sau cốp, nhưng tôi ỷ y là dọc đường có thiếu khối gì trạm bán xăng, mà lo. Thế nên tôi đã chia sạch xăng cho hai chiếc: xe be, xe lam; là bạn tôi đi cùng đoàn. Tôi không hề dự đoán có chuyện bất trắc nầy. Chết rồi. Không ai chịu bỏ xe của mình lại nửa đường, (dù xe của họ cũ, coi thổ tả). Thế là tôi đành bỏ chiếc xe hơi Peugeot 404 mới của mình nằm ụ tại Cam Ranh, đúng như Luật nói: “bỏ lại tất cả của cải qúy giá, bỏ hết, lo túm chạy lấy sáu mạng người. Còn người còn của”!

Mẹ con tôi, mẹ con cô Phùng leo lên xe lam của Qúy chật cứng những đàn bà, trẻ con cả thảy là mười sáu người. Mẹ của Luật và đàn ông, phụ nữ mạnh khỏe khác thì leo lên chiếc xe be không mui. Dạo trước xe be nầy dùng chở cây gỗ, nay chở người. Khoảng hơn hai chục người lố nhố chen chúc ngồi trên xe be trần trụi không có bờ vách, họ dùng những sợi dây dừa cột chặt thân người nầy vào người kia, rồi cột vô một cây gỗ cẩm lai và đống đồ đạc cao chất ngất. Xe be và xe lam chạy chậm rì, cà rị cà mò nhưng tôi vẫn lo sợ người ngồi trên xe be chen chúc chật cứng có thể lọt xuống đất! Xe không thể chạy nhanh trên đường dài ngoẵng có đủ mọi thành phần và tầng lớp… đông hàng vạn người gánh gồnh đi bộ, có đủ thứ loại xe lớn nhỏ. Thỉnh thoảng những chiếc xe bò lọc cọc chở đầy người phủ tấm bạt bay phần phật. Xe không có mui che mặt trời nên càng nóng rát. Nhóm người lết bộ tay bồng tay bế các em nhỏ khóc la thảm thiết, mặt mày trẻ lem luốc, đỏ ửng như con tôm luộc, mũi dãi lòng thòng. Đến gần ngả ba thì có một chiếc xe hàng mui bẹp dúm, bốn bánh xe chổng ngược lên trời quay tít, người trong xe ấy hò hét, máu me lênh láng. Mẹ con tôi sợ hãi bưng mặt nhìn đi chỗ khác, tôi tột cùng run rẩy hoảng loạn, tim nghẽn nghẹt ứ cơn đau mà thân thể muốn bay bổng lên chín tầng mây.

Xe lam của Quý bị hư, cũng do chất đầy người và quá nóng máy, xe lam nầy nhích chạy đường trường không có đèn. Chiếc xe be do Ngọc lái phải đi sát phía sau dọi đường cho xe lam chạy, thật quá nguy hiểm. Đèn pha của xe GMC nào đó dọi sáng trưng, suýt tí nữa thì xe lambretta của Quy chồm tới rất sát xe khách trước mặt, (hoặc là chúng tôi nằm gọn dưới lòng xe be)! Anh tài xế xe GMC nghiến răng gò lưng đạp thắng, trên xe mọi người đông nghẹt đều dồn đống chúi nhũi tới phía trước xe GMC. Bốn bánh xe GMC rít ken két dưới mặt nhựa, tỏa khói bay khét lẹt. Tôi khó có thể đoán tuổi đời anh lính dãi dầu sương chiều nắng gió ấy đã trải qua bao xuân xanh, khiến da mặt anh càng sạm đi lúc hiểm nguy nầy? Cả bộ quân phục mặc trên người hình như càng bạc phếch phong trần, hay do bụi cát rít dưới những bánh xe? Chúng tôi chỉ biết kêu Trời cứu mạng. Khi đèn xe rọi tới trước, tôi thấy những đứa trẻ con trạc bằng tuổi con tôi, nghe tiếng bánh xe lết trên đường nhựa, chúng hốt hoảng mệt mỏi quýnh quáng bám theo chân người lớn vọt lên lề. Thật hú hồn hú vía, nếu anh tài xế xe GMC không tháo vát, nhanh nhẹn, không có kinh nghiệm, ắt hẳn là tai nạn rùng rợn sẽ xảy ra không thể lường! Trong lúc nầy lòng tôi nổi lên sự ấm ức tức giận, vì chuyện tôi đã vứt bỏ lại chiếc xe 404, để leo lên chiếc xe thổ tả nầy! Biết làm sao được khi mình có lòng nhân không hề tính toán thiệt hơn, đã hậu hỉ trút hết xăng cho xe bạn!
* * *
Từ Cam Ranh khởi hành lúc mười giờ sáng, mãi đến mười giờ tối đoàn xe ì ạch nầy mới đến Nha Trang. Các ngã ba ngã tư giòng người đang cố chen lấn, giành cướp tí đất sống, xe và người vội vàng sát nhập chung nhau trườn lết tới vùng đất hứa hẹn an toàn. Họ cố chen từng bước, từng bước, ùn ùn tìm về vùng tạm cư có lẽ bình an hơn: Nha Trang… Chúng tôi ghi cho nhau địa chỉ bà con ở nhiều nơi, ngộ lỡ có biến loạn, hay cần liên lạc, thì biết mà tìm nhau. Chúng tôi chia ra nhiều hướng: Gia đình Phan Bàn ở nhờ với bà con của họ tại đường Nguyễn Tri Phương. Đại gia đình Trần Ngọc ở nhà bà con. Vợ chồng Phùng, bà mẹ Luật, tôi, và bốn con thì về nhà bà cô của Phùng. Có thêm chúng tôi, nhà bà cô hơi chật càng nghẹt thở hơn, cổng sắt cao lút đầu, màn che trướng rủ kín mít. Họ nói chuyện với nhau thì thầm to nhỏ, mắt la mày lém, dáo dác nhìn trước ngó sau len lén rù rì. Họ tỏ lộ vẻ khó chịu ra mặt bất an sợ sệt điều gì lạ lắm. Hay là họ sợ mẹ con tôi biết họ quá giàu, họ “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ đốt nhà” tôi nảy sinh ra trộm cướp của họ chăng? Sống tại nhà bà con của Phùng ba ngày hai đêm, tôi sợ các con ồn ào làm vướng bận, phiền gia đình bà cô, nên mỗi ngày chúng tôi phải đi qua bên trường Tiểu-học, ngồi ngoài gốc cây phượng mua quà bánh ăn qua loa. Chiều chiều chúng tôi mò ra biển ngồi dưới hàng dừa hứng gió mát, để cho các con nô đùa ở biển. Chờ sau giờ cơm tối mịt, chúng tôi mới dám mò về xin phép chủ nhà cho tắm rửa, đi nằm ngủ nhờ dưới gạch bóng loáng trải mền bông xuống nền nhà, mẹ con bà cháu đều chui vào nằm chen chúc trong một cái mùng rộng. Tóm lại, chúng tôi chỉ xin ngả lưng ngủ nhờ. Năm giờ sáng, tôi lo đánh thức cả nhà dậy, lại đi ra ngoài lộ sớm. Hai hàng nước mắt tôi thầm lặng vẫn tuôn trào.

Mặc dù từ Đà Lạt về Cam Ranh, biết tôi không có thân nhân ở đây Phùng đã cam đoan chắc chắn là: mẹ con chúng tôi khỏi lo vấn đề ăn ở Nha Trang trong thời gian vài tháng. Tôi ngây thơ đã tin bạn. Nay Phùng cảm thấy khó xử, tôi cảm thông vì nhà nầy không phải là nhà của Phùng. Dẫu sao Phùng cũng áy náy và hổ thẹn với tôi. Qua ngày thứ bốn, tôi thấy mặt mày ai nấy đều nặng như chì, khi Phùng bồng đứa con lên máy bay về Sài Gòn. Thái độ ngược đãi ấy đã được khẳng định mọi điều dứt khoát rằng: Sau khi gia đình Phùng an toàn tại Nha Trang, có đủ điều kiện để họ tìm đường trở về Sài Gòn, thì họ muốn bỏ rơi chúng tôi. Như thế thì đã rõ rồi, dễ hiểu quá. Phùng nên đi trước, mai mốt ông chồng Phùng sẽ về sau, là lưỡng tiện đôi đàng, ông sẽ ú ớ ù lì ngơ ngơ ngáo ngáo, là huề cả làng. Họ “siêu tổ chức” khỏi mất công “hứa lèo” với tôi. Mặc tôi xử trí ra sao thì ra.

Tôi thật ngây thơ, việc vợ chồng Phùng hứa suông chẳng khác nào đem con đi bỏ chợ. Thà rằng tôi ở lại Cam Ranh, dù sao gia đình anh chị Trí cũng là chỗ thân tình. Vả lại họ còn nợ tôi một món tiền hai trăm ngàn đồng, (do Luật “hứng nợ” đưa cho Trí). Rồi sau nầy cộng thêm nợ mới là: Trí nợ một số tiền khổng lồ: Công ty chúng tôi bán năm trăm căn nhà tiền chế Mỹ đã tháo gỡ cho dân ấp Vĩnh Linh, Cam Ranh. Tiền bán nhà nầy các bạn tin Trí, mà để Trí đứng ra làm thủ qủy thu tiền, thì anh ta đã thâu tóm hết, vung vít tiêu xài, Trí lem nhem không chuyển trả cho tôi và ai ai trong nhóm. Ý của tôi muốn nấn ná ở lại Cam Ranh mười ngày nửa tháng tại nhà Trí, là có ý muốn Trí trả bớt tiền cho tôi, sau nữa là để tôi giữ liên lạc dễ dàng với Luật. Dù sao đường đi từ Đà Lạt về Cam Ranh, cũng gần hơn đi Nha Trang, và nơi nầy chưa bị phong toả. Ôi người tính không bằng Trời tính!