Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt ‘Ðược quá đi chứ!’

‘Ðược quá đi chứ!’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan/ Người Việt   
Chúa Nhật, 14 Tháng 3 Năm 2010 12:50

Ðêm Văn Hóa Việt Nam tại trung học La Quinta

Hiệu trưởng trường trung học La Quinta, bà Louise Milner (giữa), cùng các em học sinh tham dự Ðêm Văn Hóa Việt Nam. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

WESTMINSTER (NV) - Một đêm văn hóa Việt Nam thật trẻ trung và sôi động đã diễn ra tại trường trung học La Quinta vào tối Thứ Sáu, 12 tháng 3 vừa qua.

Hơn 2,000 phụ huynh, học sinh và nhiều quan khách đã đến tham dự Ðêm Văn Hóa Việt Nam - Vietnamese Culture Night lần đầu tiên được tổ chức tại một trường trung học công lập thuộc Học Khu Garden Grove. Ðây là một chương trình ca múa nhạc kịch do các em học sinh La Quinta, phụ huynh, và nhóm giáo viên phụ trách chương trình tiếng Việt cùng tổ chức và trình diễn.

Chương trình bắt đầu vào lúc 7 giờ, nhưng trước đó một tiếng, học sinh và phụ huynh đã xếp hàng dài chờ vào bên trong. Ðây đó trên các khoảng sân, những đội kèn trống, đội múa cờ, nhóm cổ vũ “Cheer Team” vẫn đang ráo riết tập dợt lại các tiết mục trước giờ trình diễn thực trên sân khấu cho bạn bè và các bậc phụ huynh xem.

Trò tíu tít. Thầy tất bật. Học trò tham gia trong ban tổ chức trịnh trọng, đường hoàng. Học trò đóng vai khán giả vô tư thoải mái. Một không khí thật trẻ, thật dễ thương, và sôi động ngay từ khi chưa bước chân vào phòng thể dục, nơi được chọn làm sân khấu biểu diễn cho hàng ngàn người xem.

Thầy Leon Nguyễn, một giáo viên còn rất trẻ, dạy bộ môn tiếng Việt, cũng là một trong ba người chịu trách nhiệm chính của đêm diễn, nói với phóng viên Người Việt, “Ðây là chương trình đầu tiên học khu Garden Grove tổ chức cho cộng đồng Việt Nam, nhưng thực sự là cả cộng đồng Mỹ, Mễ và các sắc dân khác cũng đều tham gia.”

Tôi hỏi số lượng học sinh tham gia biểu diễn, thầy Leon cười nói, “Số lượng học sinh tham dự nhiều quá tôi đếm không xuể! Phải tính bằng con số hằng trăm trở lên.”

Số lượng diễn viên chính thức đã đông, số lượng diễn viên hậu trường tham gia đóng góp cho việc thiết kế, sơn vẽ các phông màn, cảnh trí, treo bong bóng, hướng dẫn, ổn định trật tự cũng nhiều không kể.

“Mỗi tuần các em tập 10 tiếng, từ khoảng gần 3 tháng nay,” thầy Leon nói thêm. “70% học sinh là Á Ðông, trong đó đa số là Việt Nam, nên phần lớn diễn viên là học sinh Việt Nam, nhưng cũng có sự tham gia của các em thuộc sắc dân khác.”

Màn trình diễn của La Quinta Drum Line. “Nhìn mấy bạn đánh trống thật là ‘cool’!” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nói về mục đích của Ðêm Văn Hóa Việt Nam, thầy Dzũng Bạch, người chịu trách nhiệm trông coi Hội Học Sinh Việt Nam, chủ nhiệm bộ môn tiếng Việt của trường La Quinta cho hay, “Trường La Quinta có 70% các em học sinh là người Mỹ gốc Việt, lại thêm đa số các em thuộc thành phần gia đình có lợi tức thấp. Thế nhưng các em lại cố gắng học hỏi, có kỷ luật, điểm lại cao khiến cho trường trở thành một trong những trường đặc biệt.

 Chính vì thế, chúng tôi muốn làm một buổi văn nghệ như thế này, từ lâu lắm rồi, để cám ơn phụ huynh. Bởi chúng tôi biết không phải do chúng tôi dạy giỏi, hay do các em học giỏi mà phần lớn là do công phụ huynh. Chúng tôi muốn ban giám hiệu phải hiểu điều đó và họ đã hiểu điều đó.”

“Tôi nghĩ đây là một ngày hội cho cộng đồng Việt Nam ở đây. Ðây là lần đầu tiên một chương trình được dàn dựng và trình diễn bởi sự tham gia của cả học sinh lẫn phụ huynh. Mục đích của chúng tôi là muốn tất cả phụ huynh đến tham dự ngày hôm nay để xem các em đã làm được điều gì ở trường. Chúng tôi cảm thấy háo hức chờ đợi điều đó,” thầy Huy Trần, giáo viên đứng đầu ban cố vấn trung học La Quinta, người từng được Ðại Học Yale vinh danh với Giải Nhà Giáo - Educator Award 2009, chia sẻ với Người Việt.

 Một phân đoạn trong hoạt cảnh “Tôi là người Mỹ gốc Việt” do học sinh La Quinta thực hiện. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ðêm diễn được mở màn bằng phần trình diễn xuất sắc của Ban Nhạc La Quinta - Marching Band. Cả hội trường như sôi động hẳn lên khi có sự xuất hiện của nhóm cổ vũ Cheer Team. Rồi phần trình diễn của đội múa cờ Color Guard, của dàn kèn trống Drum Line liên tục nhận được nhiều tràng pháo tay cổ vũ của khán giả bạn bè. Một khán giả lớp 9 cứ xuýt xoa khi nhìn các bạn cùng trường biểu diễn trống kèn, “Con thích màn này quá! Nhìn mấy bạn đánh trống thật là 'cool'!”

Người viết thì mê mẩn với tiết mục múa cờ và múa kiếm. Diễn viên đôi khi run quá trong lúc tung hứng chụp hụt cán cờ, làm nó rơi đánh xoảng xuống nền nhà. Thế là một tràng pháo tay vang lên! Không hề gì hết. Khán giả rất dễ tính và dễ thương. Diễn viên không thù lao đã trọn vẹn vai trò của mình. Ráng sức và hết lòng. Thế là đủ cho một biểu diễn thật nhiều kỷ niệm cho một thời học sinh.

Hoạt cảnh “Tôi là người Mỹ gốc Việt” được dàn dựng khá công phu. Không khí hội trường như chùng xuống ở phân cảnh “Vượt thoát” và “Thông điệp của cha” rồi lại rung rinh tiếng cười ở những phân đoạn mang đậm nét học đường như “Hoa Khôi Học Ðường,” “Trình diễn thời trang,” hay “Tiệc Prom.”


Từ trái: thầy Huy Trần, thầy Dzũng Bạch và thầy Leon Nguyễn, những người chịu trách nhiệm chính của Ðêm Văn Hóa Việt Nam tại trường trung học La Quinta. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

 Một ông bố trẻ ngồi cạnh đứa con gái chừng 7 tuổi và luôn miệng giải thích và trả lời cho con nghe ý nghĩa của những hình ảnh tư liệu trong phân cảnh “Thông điệp của cha” về sự có mặt của cộng đồng Việt Nam trên vùng đất này.

Ông bố cho biết cả nhà ông 15 người có mặt trong đám đông khán giả để cổ vũ cho cô con gái đang là học trò của trường, cũng là diễn viên của đêm diễn.

Thiện Nguyễn, một học sinh lớp 10, có mặt tại Ðêm Văn Hóa Việt để “bán boba gây quỹ” cho “club” của mình. Thiện nói, “Con không ngờ là lại có đông phụ huynh đến xem như vậy. 2,000 vé của trường in ra đều bán sạch. Ðã thiệt!”

Tôi hỏi Thiện nhận xét sao về chương trình. Thiện cười, “Ðược quá chứ! Con đã không nghĩ là nó được như vậy!”

Ðã nói, khán giả học trò bao giờ cũng đáng yêu nhất.

Mẹ của em Thu Nguyễn, một học sinh lớp 12, tham gia một tiết mục múa trong chương trình, cho phóng viên Người Việt biết, “Tôi tham gia trong một đội múa dân tộc. Khi nghe trường cần sự hỗ trợ thì tôi cùng nhóm múa đến hỗ trợ thôi.”

Vị phụ huynh này bảo, “Rất vui khi được diễn ở đây vì toàn là học sinh. Nhiều em sinh trưởng ở đây nhưng các em lại thích xem, thích tìm hiểu về người Việt, về những gì thuộc về văn hóa Việt.”

Nói về vai trò của phụ huynh, thầy Leon Nguyễn nói, “Chương trình này do phụ huynh học sinh tổ chức là chính. Họ cho ý tưởng, tôi chỉ đứng ra làm việc với các em phần nội dung các tiết mục.”

Trong khi đó, thầy Dzũng Bạch nhận xét, “Phụ huynh đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Khi chúng tôi cần một người, họ xuất hiện ba người. Khi chúng tôi cần hai người, họ xuất hiện mười người. Họ đứng đằng sau chúng tôi, lo hết những việc quan trọng, hăng say, nhiệt tình, Không có họ, chúng tôi không thể làm được chương trình này.”

Trong lúc chờ đợi tiết mục của mình, 6 cô bé Mary, Kỳ-Hà, Elizabeth, Sandy, Bích Vân và Diana xúng xính trong những bộ bà ba và nón lá, ngồi cổ vũ mê say cho các tiết mục của bạn bè. Hỏi ra mới biết, chỉ có Mary hiện đang là học trò La Quinta, Elizabeth là cựu học sinh La Quinta, hiện đang học college, nay về diễn cho trường cũ, còn lại 4 bạn khác đều là học sinh của các trường trung học quanh vùng. “Buổi diễn này vui quá! Tụi em thích lắm. Trường em không có hoạt động này.” Các cô bé liến thoắng nói.

Tôi hỏi một phụ huynh đến xem nghĩ gì về Ðêm Văn Hóa Việt của La Quinta, bà cười hiền hậu, “Mấy đứa nhỏ dễ thương quá! Học trò mà diễn như vậy là hay quá rồi!”

Bà Hiệu Trưởng Louise Milner thì cứ cười rạng rỡ, “Thật là tuyệt vời! Các em học sinh đáng yêu quá!”

Hiệu Trưởng Louise Milner cũng cho phóng viên Người Việt biết nhà trường có sự quan tâm đặc biệt đến với học sinh gốc Việt khi nhận thêm thầy Leon Nguyễn về làm giáo viên tiếng Việt toàn thời gian của trường, nhằm thúc đẩy bộ môn tiếng Việt trở thành một ngoại ngữ chính, bên cạnh tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, nhằm góp phần cải thiện sự giao tiếp giữa phụ huynh và học sinh trở nên dễ dàng hơn, tìm được sự cảm thông nhiều hơn.

Ca sĩ Tâm Ðoan xuất hiện trong vai trò ca sĩ khách mời cũng xúc động cho biết chưa bao giờ cô đứng hát trên một sân khấu như thế này, “toàn là học sinh và phụ huynh.”

Có thể vẫn còn một vài điều chưa thật trọn vẹn và hoàn chỉnh cho một Ðêm Văn Hóa Việt, nhưng có lẽ tâm trạng “hơn hai tháng hồi hộp” của thầy Leon Nguyễn, Dzũng Bạch và Huy Trần cũng đã được đền bù xứng đáng khi tất cả các em học sinh và phụ huynh đã hoàn thành trọn vẹn vai trò của mình.

Buổi diễn khép lại, nhưng dư âm của Vietnamese Culture Night vẫn sẽ còn đọng mãi trong lòng thầy trò và phụ huynh La Quinta.