main billboard

Nhà nghiên cứu Võ Hương An, sinh sống ở San Jose, Bắc California, từng xuất bản nhiều sách biên khảo về Huế như “Huế của một thời,” “Vua Khải Ðịnh,” v.v. nay cũng đóng góp thêm với cuốn “Từ điển Nhà Nguyễn”.

Huế chiếm một vị trí khiêm tốn từ dân số đến diện tích so với các nơi khác trong nước nhưng may mắn lại là địa danh được nhắc nhở đến nhiều nhất. Số bài thơ, nhạc, viết về Huế không ngừng được sáng tác. Sách, truyện, hoặc nghiên cứu về kinh đô cuối cùng của thời phong kiến Việt Nam của nhiều tác giả cũng liên tục xuất hiện.

Từ điển Nhà Nguyễn do Võ Hương An biên khảo. (Hình: Triệu Phong/Người Việt)tudien nhanguyen

Nhà nghiên cứu Võ Hương An, sinh sống ở San Jose, Bắc California, từng xuất bản nhiều sách biên khảo về Huế như “Huế của một thời,” “Vua Khải Ðịnh,” v.v. nay cũng đóng góp thêm với cuốn “Từ điển Nhà Nguyễn”.

Gia Long lên ngôi năm 1802, bắt đầu sự nghiệp xây dựng cơ đồ Nhà Nguyễn. Từ Gia Long đến Bảo Ðại là vua triều Nguyễn cuối cùng (1945), tổng cộng có tất cả 13 đời vua, họ góp công tạo dựng kinh đô với biết bao kiến trúc. Suốt 143 năm cai trị, Nhà Nguyễn đặt ra những định chế mới, khác với các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần... trước đó. Nếu kể cả chín đời chúa, họ Nguyễn hiện hữu trong lịch sử Việt Nam 387 năm, dài nhất so với các triều đại quân chủ khác từ trước. Trong những thế kỷ đó các định chế của triều đại này có ảnh hưởng sâu xa trong nhiều mặt như lịch sử, chánh trị, luật pháp, văn học, văn hóa, xã hội... đối với đất nước. Trong thời gian trị vì của các triều đại đó triều đình đồng thời cũng trải qua bao biến chuyển trọng đại, từ vụ thất thủ kinh đô năm 1858, đến trận Việt Minh tiêu thổ kháng chiến năm 1945, khiến hoàng cung bị cướp phá, thất thoát nặng nề. Rồi biến cố Tết Mậu Thân 1968 và cuối cùng là 30 Tháng Tư, 1975 nâng sự thiệt hại mất mát đối với di tích Nhà Nguyễn càng lớn lao thêm.

Sau mỗi biến cố quan trọng, một số đông người con dân Huế bỏ xứ kéo nhau đi lập nghiệp ở các nơi. Không lạ gì nhiều người Huế tha phương mỗi lần về thăm cố đô trở về than thở rằng, Huế bây giờ toàn là người xa lạ từ đâu đến lập nghiệp.

Hai yếu tố nêu trên góp phần cho những hiểu biết về Huế, về triều Nguyễn ngày mỗi mai một thêm.

Là con của một vị Nhất Ðẳng Thị Vệ triều Nguyễn, thuở ấu thơ tác giả Võ Hương An từng được cha dẫn cho đi khắp các cung điện trong Ðại Nội, nghe và thấy thật nhiều về nơi chốn thâm cung bí sử ấy. Kết hợp với kiến thức sử học, tác giả nhận thấy trong cách diễn giải về chữ nghĩa thời Nhà Nguyễn của nhiều bài viết về Huế hiện nay, có sự “không hiểu, hiểu sai hoặc ngộ nhận. Từ đó dẫn đến việc nhận định, giải thích, phê phán thiếu chính xác, nếu không nói là sai lầm. Hiện tượng này thường xảy ra như thấy được qua các ấn phẩm và truyền thông, không phải ở tầm mức kiến thức phổ thông mà ngay cả trong lãnh vực biên khảo chuyên môn”.

Với nỗ lực nghiên cứu qua nhiều sách vở trong hơn năm năm trời, tác giả Võ Hương An cho ra đời cuốn “Từ điển Nhà Nguyễn” cũng vì mục đích làm sáng tỏ những sai lầm đó.

Mỗi chữ trong “Từ điển Nhà Nguyễn” có gốc chữ Hán đều được âm chữ Hán, đôi khi còn được ghi nghĩa tiếng Pháp để làm rõ nghĩa hơn. Việc âm chữ Hán giúp người đọc cũng như người nghiên cứu hiểu nghĩa của chữ hay từ ấy đúng như ý của người đương thời. Âm chữ Hán được tác giả ghi chép lại đúng như tài liệu chính thức của Nhà Nguyễn hoặc tham khảo từ BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hué). Theo tác giả, ban biên tập cũng như người đóng góp bài vở trong BAVH đều là người thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Hán, lại là những người sống vào thời chế độ quân chủ đang còn, do đó sự hiểu biết ngôn ngữ của họ có độ tin cậy cao so với thế hệ sau.

Ngoài ra, cạnh phần lớn các chữ trong “Từ điển Nhà Nguyễn,” tác giả còn kèm theo hình chụp hoặc ảnh minh họa, biểu đồ hoặc bản đồ xưa, khiến cho nội dung cuốn sách càng thêm phong phú. Về mỗi địa danh, tác giả không quên kèm theo bản đồ Việt Nam với vị trí của địa danh đó để người đọc dễ hình dung.

“Từ điển Nhà Nguyễn” ghi rõ chi tiết về mọi kiến trúc của Kinh thành Huế như các cung, điện, đài, lâu, các, tạ, am... những kiến trúc hiện vẫn còn tồn tại cũng như bị hư hại hay hủy hoại hoàn toàn qua bao lần binh biến. Ngoài ra tác giả cũng kê đầy đủ các lăng tẩm, chùa miếu, di tích cổ xưa nằm rải rác trên khắp địa bàn thành phố Huế.

Sách liệt kê rành mạch các phẩm hàm của hai quan chế, ban hành dưới thời Gia Long năm 1804 và quan chế Minh Mạng từ năm 1827. Trong khi giúp độc giả hiểu được sự phân biệt gọi là cửu phẩm đối với hàng quan lại, thì chín bậc khác nhau của các bà vợ vua, gọi là cửu giai.

Trong sách cũng nêu hệ thống lục bộ gồm binh, công, hình, hộ, lại, lễ (chỉ bộ Học mới thành lập vào đời Duy Tân). Phân biệt thế nào là chiếu, cáo, chỉ, dụ, sắc...

Tác giả cũng giải thích rõ về tổ chức binh chế thời Nguyễn gồm ba lực lượng căn bản: Bộ binh, tượng binh và thủy binh. Phân biệt thế nào là thuyền, đội, cơ, dinh. Việc trang bị vũ khí và quân dụng cho các đơn vị. Ðộc giả có dịp hiểu được về phép duyệt tuyển là phép duyệt dân để xếp hạng đánh thuế, tuyển lính và đóng sưu dịch, một cách điều tra dân số thuở xưa. Giúp người đọc phân biệt thế nào là lính khố xanh, khố vàng và khố đỏ.

Tác giả kê đầy đủ và giải thích về các bộ sách chữ Nho do Quốc Sử Quán Nhà Nguyễn biên soạn, ví dụ Ðại Nam Nhất Thống Chí, Ðại Nam Thực Lục... Giải thích chi tiết về hệ thống cân, đo và đong lường.

Cho độc giả hiểu về triều phục, lễ phục gọi chung là quan phục của vua, hoàng thái hậu, hoàng tử, hoàng thân, các quan dùng trong các dịp.

Phân biệt cách gọi hoàng hậu, hoàng quí phi, hoàng tử, công tử, hoàng nữ, công chúa, phò mã đô úy... Thế nào là ngũ bất lập do Vua Minh Mạng đặt ra. Người ở các xứ khác vì không hiểu rõ cách đặt tên trong hoàng tộc nên thường cho rằng ở Huế có thêm cái họ lạ lùng như công tôn nữ, công tằng tôn nữ, công huyền tôn nữ, hoàng tôn, hoàng tằng tôn, hoàng huyền tôn... Chúng ta cũng hay nghe đến các họ như ưng, bửu, vĩnh, bảo... Ðó là lấy từ trong Ðế hệ thi và Phiên hệ thi, là những bài thơ 4 câu 20 chữ do Vua Minh Mạng làm ra năm 1822, để phân biệt rõ các dòng và thứ tự trên dưới các đời.

Về các nhân vật được nêu ra trong từ điển này, tác giả chỉ chọn những nhân vật được nhắc đến nhiều trong các bộ thông sử.

Sách còn kê rõ các chữ húy được đặt ra bắt đầu từ năm Gia Long thứ 2 (1803) và Bộ Lễ thông báo đi khắp nước để các nơi đổi có tên đất tên người trùng húy thì phải đổi đi.

Nói chung là còn nhiều, nhiều nữa không thể nào kể ra cho hết. Phải công nhận đây là một kỳ công đáng kính phục của tác giả, thiết nghĩ còn lâu về sau, nếu không muốn nói là chưa chắc có được nhà biên khảo nào sánh được với tác giả Võ Hương An.

“Từ điển Nhà Nguyễn” dày trên 760 trang, khổ lớn, bìa cứng, do Nam Việt xuất bản năm 2012, là một sách tham khảo cần có trong mỗi tủ sách gia đình. Xin trân trọng giới thiệu đến với độc giả người Huế, yêu Huế, thích tìm hiểu về Huế xưa, đặc biệt về triều đại Nhà Nguyễn, có cơ hội được biết và sử dụng chính xác hơn về chữ nghĩa thời Nguyễn.