main billboard

Cũng vậy, tuy bề ngoài cởi mở, nhưng Hà Nội cũng vẫn chưa chấp nhận luật chơi của ASEAN.

hoinghi aseanHồi năm 1995, một nhóm khá đông nhà báo thế giới đổ về Brunei để tham dự hội nghị của hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN). Thời đó ASEAN chưa có tầm vóc ngày nay, hội nghị thượng đỉnh ASEAN không phải là đề tài được chú ý đến mấy, nhưng chúng tôi đổ về vì một tin đặc biệt, một hiệp hội mở ra để ngăn chặn làn sóng Cộng sản không cho tràn khắp Ðông Nam Á đã nhận một thành viên mới không những là một quốc gia Cộng sản mà còn là kẻ thù mà họ sợ sẽ xâm lăng họ khi thành lập.

Ra đời năm 1967, ASEAN là một cố gắng của các quốc gia không cộng sản trong vùng Ðông Nam Á họp nhau lại để, như Ngoại Trưởng Thanat Khoman của Thái Lan diễn tả, tạo dựng “một phòng vệ tập thể chính trị.” Không hẳn là những đồng minh tự nhiên, với lãnh thổ tách rời, bao gồm những vùng quần đảo rộng lớn của Tây Thái Bình Dương từ quần đảo Philillines ở phía Bắc xuống đến quần đảo Indonesia ở cực Nam, họ thực sự chỉ thành đồng minh vì lo sợ sự bành trướng của chế độ Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.

Nhưng đến năm 1995 thì ASEAN đã trở thành một “câu lạc bộ” của các quốc gia có nhiều điểm tương đồng. Với các lãnh tụ của họ đa số là sản phẩm của nền giáo dục Tây phương, đúng hơn là giáo dục Anh trừ một ngoại lệ là Indonesia bị ảnh hưởng của Hòa Lan, các cuộc họp mặt của ASEAN có một bầu không khí thoải mãi của những cuộc gặp gỡ ở các country club. Sau những phiên họp chính thức, các lãnh tụ thể nào cũng phải rủ nhau đi đánh golf và kết thúc khóa họp đều phải là một màn trình diễn văn nghệ tự biên tự diễn.

Thành ra việc ASEAN đột nhiên quyết định mời Việt Nam tham gia cái câu lạc bộ này đã trở thành một đề tài đáng quan tâm cho báo chí thế giới, hay đúng hơn báo chí thế giới qua đại diện vùng. Một số khá lớn phóng viên là phóng viên thường trú ở Hà Nội của các cơ quan thông tấn quốc tế còn đa số còn lại là phóng viên thường trú Ðông Nam Á hay Ðông Á được cử đến. Ðặc biệt nhất có lẽ là số phóng viên từ các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đổ tới để ghi nhận một sự kiện liên quan đến Việt Nam.

Và mặc dầu so với số phóng viên đổ vào các cuộc họp thượng đỉnh khác chắc là cao hơn nhiều, thủ đô Bandar Seri Begawan nhỏ xíu của một quốc gia chỉ có mấy trăm ngàn dân, nằm gọn ở một góc của vùng bờ biển phía Bắc đảo Borneo, đã bị quá tải. Các phóng viên truyền hình Hoa Kỳ nhà giàu, đổ vào các khách sạn năm sao còn đại đa số nhà báo tìm về những “nhà khách” mà chính phủ của tiểu vương quốc đã cố gắng dọn dẹp thu xếp để cho tạm đủ tiêu chuẩn.
Brunei Darrussalam, mà cái tên có nghĩa thật hay, Brunei, Quê Hương của Hòa Bình, tuy nhỏ bé nhưng là một quốc gia rất giàu. Nhưng khác với phung phí cho giai cấp cai trị, nguồn lợi từ dầu lửa đã được tiểu vương chia sẻ cho dân chúng và khôn ngoan đầu tư cho tương lai. Brunei là quốc gia mà một công dân nào nếu có khả năng, muốn đi học, cũng có quyền đi học đến mức nào cao nhất họ muốn, kể cả bậc đại học, ở bất cứ trường đại học nào trên thế giới. Brunei cũng là quốc gia mà y tế, giáo dục hoàn toàn miễn phí. Nhà vua còn xây dựng cả một khu kiểu Disneyland để dân chúng vào vui chơi hoàn toàn không mất tiền.

Trên nguyên tắc Brunei là một chế độ quân chủ lập hiến, nhưng trên thực tế, nhà vua nắm hầu hết quyền hành. Quốc Vương Hassanal Bolkiah vừa làm thủ tướng, kiêm bộ trưởng tài chánh và bộ trưởng quốc phòng. Tuy có một Quốc Hội nhưng nhà vua và hoàng gia được nể trọng vô cùng. Ấy vậy nhưng Sultan Hassanal Bolkiah là một người khá nguyên tắc.

Trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN, Brunei tính chuyện đầu tư vào khai thác dầu ở Việt Nam. Khi chúng tôi tới Brunei thì được nghe kể là nhà vua tức giận, cắt đứt liên hệ, khi các quan chức Việt Nam đòi huê hồng “lại quả.”

Hồi năm 1995, phái đoàn Việt Nam lúc đó quả thật là “nhà quê.” Chưa từng tham gia một tổ chức quốc tế, phái đoàn lúng túng ngay cả đến việc gặp gỡ báo chí. ASEAN đặc biệt là một tổ chức mà các cuộc họp báo rất quan trọng vì đó là cơ hội để các lãnh tụ “đánh tiếng” trước về lập trường của mình. Với nguyên tắc tuyệt đối đồng thuận, việc thông báo trước lập trường giúp tránh những xích mích khi đi đến kết luận vì giúp cho các phe có cơ hội điều đình, trao đổi trước khi đến lúc nhóm họp bỏ phiếu.

Ðám nhà báo chúng tôi đã chực ở phi trường đến khuya thì phi cơ của ngoại trưởng Việt Nam mới đến. Nước chủ nhà đã soạn sẵn phòng họp báo và chúng tôi ngồi chực. Chờ mãi không thấy, mọi người nhìn nhau thì anh bạn đại diện Thông tấn xã AFP ở Hà Nội, có lẽ quá quen thuộc với các viên chức Việt Nam, từ ngoài bước vào bảo với mọi người “họ chicken out rồi!” Té ra phái đoàn Việt Nam đã không dám tiếp xúc với báo chí. Và trong suốt mấy ngày hội nghị, Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm từ chối không chịu trả lời báo chí, dầu cả chỉ một vài câu khi họ chặn ông ở ngoài cửa phòng họp. Mãi sau cùng ông mới chịu trả lời một cuộc phỏng vấn duy nhất với đài BBC. Thú thật chưa bao giờ chúng tôi thâu một cuộc phỏng vấn tẻ nhạt đến thế. Cho bất cứ một câu hỏi nào, ông Cầm cũng chỉ đưa ra những câu trả lời công thức.

Ngày nay thì đã khác nhiều. ASEAN ở Brunei 2013 đã trở thành quan trọng. ASEAN mà hồi đó các lãnh tụ còn đang mơ ước một ASEAN 10 quốc gia bao gồm trọn vùng Ðông Nam Á, nay đã là ASEAN 10. Nằm ở khu vực trên thế giới đang có thể có triển vọng trở thành vùng tranh chấp giữa cường quốc duy nhất của thế giới là Hoa Kỳ và một cường quốc đang muốn cạnh tranh là Trung Quốc, ASEAN đã là một nơi được sự chú ý của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc với Ấn Ðộ và Nga cũng muốn tham gia.

Sau 18 năm tham gia chính trị quốc tế, Hà Nội nay đã rành rõi nghề ngoại giao. Khác với ông Cầm, nghe nói ngoại trưởng hiện nay rất hoạt bát. Chính các viên chức Hoa Kỳ cũng công nhận là các nhà ngoại giao của Hà Nội đã chứng tỏ khả năng trong cuộc điều đình về Hiệp định Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Nhưng không phải thay đổi nào cũng tốt. Hồi năm 1995, một số các học giả và chuyên gia trong vùng đã khuyến cáo ASEAN về việc mở rộng khối. Họ bảo là ASEAN mở rộng có thể sẽ không bao giờ là ASEAN sáu quốc gia của thời 1995. Mà quả vậy. Cái nguyên tắc đưa ra lập trường trước để điều đình đã thất bại hoàn toàn trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN năm 2012 ở Phnom Penh. Lần đầu tiên trong lịch sử đầy nhường nhịn của tổ chức, ASEAN đã không đạt được đồng thuận để đưa ra một thông cáo chung. Mà tất cả chỉ vì một thành viên mới, Cambodia, từ chối luật chơi của ASEAN.

Cũng vậy, tuy bề ngoài cởi mở, nhưng Hà Nội cũng vẫn chưa chấp nhận luật chơi của ASEAN. Mới đây, khi Hà Nội bắt một loạt các thanh niên Việt Nam sau khi họ sang Philippines dự một khóa học về xã hội dân sự, một tổ chức dân sự Philippines, Asian Bridge, đã phải lên tiếng chỉ trích, “Hiện nay, cả Philippines và Việt Nam đều là thành viên của ASEAN hoạt động với phương châm 'Một Tầm Nhìn, Một Bản Sắc, Một Cộng Ðồng' vì thế, chính phủ các quốc gia trong khối, trong đó có Việt Nam nên khuyến khích công dân mình tìm hiểu thêm về lịch sử và xã hội của các nước khác, thay vì lo lắng và sợ sệt, và chỉ khi làm được như vậy, thì chúng ta mới hoàn thành được nhiệm vụ của ASEAN.”

Có lẽ cũng như những chính trị gia ASEAN năm 1995, tổ chức dân sự Philippines đã quá không tưởng trong ao ước đó chăng?