main billboard

“Người Việt tản mác khắp thế giới, sống trong tự do nhờ vào hy sinh của những người khác. Đây là một ngày của sự đau buồn. Là một ngày của sự biết ơn. Một ngày để tưởng nhớ.”


HOA KỲ (NV) - Nhiều thanh thiếu niên gốc Việt đồng tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư trong tuần qua bằng nhiều hoạt động khác nhau tại nhiều đại học khắp Hoa Kỳ.

Các bạn trẻ, những người sinh ra gần vài ba thập niên sau sự kiện lịch sử, lớn lên tại một đất nước cách quê cha nửa vòng trái đất, nhưng cứ đến 30 Tháng Tư lại cùng nhau ngồi lại, tưởng niệm biến cố lớn lao không chỉ là của thế hệ cha mẹ các bạn, nhưng cũng là của chính các bạn.

Từ những hành động nho nhỏ như đồng loạt để hình đen trên trang Facebook cá nhân, đến tổ chức lễ tưởng niệm cùng đốt nến, cầu nguyện, coi lại những hình ảnh đau thương qua phim tài liệu, hay lắng nghe các bậc cha, chú thuật lại ký ức về những thời khắc xưa đó.

Bên cạnh những tình cảm đau buồn về sự mất mát, những lời cảm kích và biết ơn được họ lặp đi lặp lại, gửi đến thế hệ đi trước đã đối diện với bao nhiêu khó khăn để lớp trẻ sau này có được một cuộc sống yên bình, tự do.

Sau đây là tóm lược một vài sự kiện của thanh thiếu niên gốc Việt tưởng niệm 30 Tháng Tư.
thanhnienviet tuongniem 30 4 1
Phong trào đồng loạt để hình đen, với dòng chữ thật mờ "APRIL 30, 1975". (Hình: Facebook)


1. Đồng loạt để hình đen


Trên các tranh mạng xã hội của cá nhân hoặc hội đoàn của sinh viên Việt Nam ở Hoa Kỳ, những hình “profile” đen tràn ngập màn hình máy tính. Phải đến gần, xem kỹ, người ta mới thấy được dòng chữ viết hoa, thật mờ, màu xám: “APRIL 30, 1975.”

Phong trào để bức hình này xuất hiện một thời gian ngắn trước đây, đến nay sau ngày tưởng niệm, nhiều bạn vẫn giữ nguyên hình cho trang mạng xã hội cá nhân.

Elizabeth Nguyễn, sinh viên trường University of Florida, viết bên cạnh hình: “Sau khi nói chuyện với ông bà và cha mẹ, tôi nhận ra ngày Sài Gòn thất thủ đã ảnh hưởng đến họ như thế nào. Họ phải vượt qua biết bao khó khăn sau đó và có lẽ họ sẽ không bao giờ quên được ngày này của lịch sử.”

Tương tự như Elizabeth là Tyson Bành của trường University of Wisconsin-Madison, Linh Lu của Ohio State University, Roger Lê của tổng hội sinh viên UNAVSA... cũng như nhiều hội sinh viên Việt Nam khác.

“Đã từng bị giấu đi bởi những sự đe dọa, sự sợ hãi qua nhiều thế hệ. Sau đó lại bị mất đi bởi những cách biệt ngôn ngữ và bức tường của sự khác biệt,” Quyên Ngô, sinh viên trường Brown University, viết vài dòng gửi gắm nhiều cảm xúc bên cạnh tấm hình đen của phong trào tưởng niệm 30 Tháng Tư và một tấm hình đen trắng lớn chụp những thuyền nhân đứng chen chúc bên cạnh một chiếc thuyền gỗ.
thanhnienviet tuongniem 30 4 2
Hội Sinh Viên Việt Nam trường Cal Poly Pomona là một trong nơi tổ chức lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư. (Hình: Facebook)


2. Tổ chức lễ tưởng niệm

Thắp nến, nghe người lớn kể lại chuyện xưa những ngày biến cố 1975, nhiều bạn sinh viên cùng tề tựu lại để dự các buổi họp mặt tưởng niệm vừa diễn ra tại nhiều sân trường đại học, như University of Washington, Cal Poly Pomona, UC Berkeley, UCLA, University of Florida...

Chẳng biết tự khi nào, tâm tư của cha mẹ dành cho “ngày giỗ quê hương” nay đã được truyền tay đến các bạn trẻ. Tuy đã lên đại học, nhiều bạn không còn ở gần gia đình, truyền thống tưởng niệm 30 Tháng Tư lại được các bạn nâng niu, gìn giữ.

Roger Lê, từ Austin, Texas nói khi mời gọi bạn bè tham dự lễ tưởng niệm của tổng hội sinh viên Việt Nam tại địa phương mình: “Đây là ngày nhớ lại điều gì đã mang chúng ta, những người Việt Nam, đến Mỹ và những đất nước tự do khác... để tìm sự tự do.”

“Gia đình ly tán, tương lai vô định, nhưng với sự kiên cường và sức mạnh, tinh thần Việt Nam đã đưa chúng ta đến ngôi nhà mới này,” Hội Sinh Viên Việt Nam tại University of Florida viết. “Người Việt tản mác khắp thế giới, sống trong tự do nhờ vào hy sinh của những người khác. Đây là một ngày của sự đau buồn. Là một ngày của sự biết ơn. Một ngày để tưởng nhớ.”
thanhnienviet tuongniem 30 4 3
Hình chụp một cảnh của "I am not Vietnamese", một trong những thước phim các bạn trẻ truyền nhau nhân ngày tưởng niệm. (Hình: Youtube)


3. 'Tôi (không phải) là người Việt Nam'


Những ngày gần đây, nhiều bạn cùng đăng tải, truyền nhau đoạn phim “I am not Vietnamese”. Tựa đề với nghĩa đen “Tôi không phải là người Việt Nam” lại truyền tải một thông điệp hoàn toàn trái ngược.

Đoạn phim quay hình Jennifer Lê, cũng là người sáng tác bài thơ với tựa đề tương tự, trong lúc tranh cãi đã bị mẹ cô mắng rằng “Mày không phải là người Việt Nam. Trời ơi. Biết bao lần tao nói mà mày không chịu nghe gì hết.”

Những đoạn phim tiếp theo diễn tả hành động, suy nghĩ của nhân vật sau lời mắng của mẹ. Cô giận dữ, cô muốn bỏ đi. Ngược lại, cô cũng thấy mẹ cô nói đúng. Cô không hòa được với văn hóa Việt. Cô thích đi chơi với bạn bè “như Mỹ.” Cô hòa vào những sắc dân Á Châu khác để không phải thừa nhận nguồn gốc của  mình.

Chỉ cho đến khi cô vào thư viện, cho đến khi cô cầm lên cuốn sách viết về lớp người như mẹ cô, lớp người đối diện với bom đạn, với đe dọa, với mạng sống con người mong manh, với những chuyến vượt biên lênh đênh không biết bến bờ, cũng như niềm vui của họ khi mang được con cái đến Mỹ..., cho đến lúc đó, cô mới vừa khóc vừa thốt lên rằng: “Bây giờ con mới hiểu. Con xin lỗi má. Con tên là Lê Thiên Hương. Con là người Việt Nam.”

Đoạn phim kết thúc với hình ảnh hai mẹ con ôm nhau và khóc.

Phim hiện có khoảng 40,000 lượt xem. Nhiều bạn để lại lời chia sẻ, bày tỏ sự đồng cảm. Có bạn nói mình đã khóc, có bạn nói phim diễn tả được tâm sự của bản thân, bạn thì đơn giản viết: “Tôi là người Việt Nam.”