main billboard

“cái chính là để đồng hương và thân hữu Cà Mau có dịp gặp gỡ lại nhau. Có nhiều năm các cuộc gặp gỡ này đã thu hút được cả những đồng hương từ những nơi rất xa về như Boston, Hawaii, Canada...”


WESTMINSTER (NV) - Theo thông báo được phổ biến trên báo chí truyền thông Việt ngữ tại Nam California, hội Thân Hữu Ðồng Hương Cà Mau sẽ có buổi họp mặt Hè hàng năm tại tại Garden Grove Park vào ngày Thứ Bảy, 5 tháng 7.

donghuong camauBan tổ chức và thân hữu đồng hương Cà Mau họp mặt trại Hè 2013. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Ðây là một trong hai sinh hoạt truyền thống của hội. Ðó là họp mặt Hè và họp mặt Mừng Năm Mới vào dịp Tất Niên Âm lịch.

Mục đích của những lần họp mặt này “cái chính là để đồng hương và thân hữu Cà Mau có dịp gặp gỡ lại nhau. Có nhiều năm các cuộc gặp gỡ này đã thu hút được cả những đồng hương từ những nơi rất xa về như Boston, Hawaii, Canada...” theo lời ông hội trưởng Trần Trát cho biết.

Từ hơn 20 năm nay, những đồng hương Cà Mau như Trần Trát, cô Bích Phượng, Nguyễn Văn Tiến, Trần Quang, Võ Thành An luôn luôn là những “đầu tàu” đứng ra tổ chức những lần họp mặt này. Vào dịp hội ngộ Hè thì “để cho các gia đình đồng hương Cà Mau đưa con em đến cho quen biết nhau, nhớ đến tình đồng hương. Còn vào dịp Tất Niên thì để đồng hương có dịp sống lại những phong tục truyền thống cũ của người Việt như lễ chúc thọ các vị cao niên trong hội, “lì xì” mừng tuổi cho con em trong hội và đôi khi còn tổ chức được những Giải Khuyến Học cho các em nữa,” theo như lời cô Bích Phượng từng cho báo chí truyền thông biết trong những lần hội ngộ trước.

Nội dung cuộc hội ngộ Hè năm nay, theo ban tổ chức cho biết, cũng sẽ có ngoài phần hàn huyên, thăm hỏi nhau, còn có phần văn nghệ “Cây Nhà Lá Vườn” mà theo cô Bích Phượng và ông Trần Trát thì ca sĩ đất Cà Mau có giọng hát rất hay mà nữ ca sĩ thì lại vừa hát hay mà còn đẹp đẽ duyên dáng nữa. Bên cạnh đó là những tiết mục vui chơi thể thao cho các bạn trẻ năng động, có cả giải thưởng để khuyến khích sự thi đua.

Hội Ðồng Hương Thân Hữu Cà Mau được thành lập từ năm 1989 nhưng chính thức có quy củ là từ năm 1994, quy tụ được cả trên 500 gia đình đồng hương và thân hữu ở Nam California cùng chung sinh hoạt.

Nói về những lần tổ chức hội ngộ Hè hay Tất Niên, ông Hội Trưởng vui vẻ kể: “Gần 20 lần tổ chức, chưa bao giờ ban tổ chức bị lỗ mặc dù không có bán vé hay quyên góp gì, nhưng đồng hương Cà Mau thường tự nguyện giúp cho ban tổ chức thanh toán được dư dả những chi phí cho các cuộc họp mặt như thuê chỗ, thuê nhà hàng, ẩm thực v.v... Số tiền dư lại sau mỗi lần tổ chức đều được cho vào quỹ xã hội để đóng góp vào các công tác của Hội Hồng Thập Tự.”

Về phương diện tổ chức, cô Bích Phượng cho biết có đến 3 tổ chức của đồng hương Cà Mau. Ba tổ chức này có những mục tiêu khác nhau. Một là Hội Chùa Bà Cà Mau trên Los Angeles có tính cách tín ngưỡng lịch sử, hai là Thân Hữu Cà Mau có tính cách nối kết đồng hương, và ba là Hội Nghĩa Hụi Cà Mau có tính cách xã hội. Cô Bích Phượng kể, “Mục đích của Nghĩa Hụi Cà Mau là để giúp cho đồng hương khi gặp khó khăn. Mỗi dịp cân thiết tổ chức là anh chị em trong hội lại sẵn sàng bỏ ra $100 đóng góp vào và sau đó được chuyển ngay đến cho đồng hương đang gặp khó khăn.”

Một điều rất vui theo cô Bích Phượng kể thì Hội Thân Hữu Cà Mau là một hội có Hội Trưởng và nhiều thành viên trong ban chấp hành được lưu nhiệm “liên tu bất tận từ ngày thành lập.” Tất cả những người được lưu nhiệm đều “bị” đồng hương nhất định giao phó không được từ chối vì một lý do duy nhất là “đã phát triển được hội, gắn kết được tình đoàn kết trong hội qua những lần tổ chức hội ngộ.” Do đó mà hoạt động của hội không bao giờ bị gián đoạn và các buổi hội ngộ cứ được diễn ra đều đặn trong hơn 20 năm nay, ngày càng gắn kết thêm tình thân hữu tương trợ.

Về những đồng hương Ca Mau đã thành công trong cuộc sống ở hải ngoại phải kể đến thương gia chủ nhân nhà hàng Furiwa trong thành phố Garden Grove, nơi hàng năm đồng hương thân hữu Cà Mau chọn là nơi họp mặt Tất Niên. Hội Chùa Bà Cà Mau ở Los Angeles phần lớn hội viên là người Cà Mau, được rất đông đồng hương người Việt đến chiêm bái nơi thờ tự và cầu xin phúc lộc.

Cà Mau, một địa danh từ trẻ đến già người Việt ai cũng biết khi nói đến nước Việt Nam, qua câu “Từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.” Ðó là vùng đất mũi tận cùng của dải đất hình chữ S lãnh thổ của dân tộc. Ðó là vùng đất bồi của đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm lấn ra biển hàng chục thước và được các loại cây mắm và những rừng cây đước gìn giữ đất bồi này. Thổ sản của vùng đất Cà Mau thật đa dạng cả về số lượng lẫn chủng loại. Nhất là về thủy sản và hải sản như cá, mắm, tôm khô, sò huyết, nghêu, vọp, hầu, ba khía, ốc len, cua gạch, tôm, tép, kỳ đà, sấu, rùa, cua đinh, càng đước, lươn, đuôn chà là, mật ong và sáp ong...

Chỉ là vùng đất được khai khẩn từ 300 năm trở lại đây và danh xưng thì được đổi đi đổi lại nhiều lần, khi thì An Xuyên thời Việt Nam Cộng Hòa, khi thì Minh Hải thời cộng sản..., người dân Cà Mau lúc nào cũng chỉ biết có cái tên là Cà Mau với những vùng thịnh vượng trong tỉnh như Năm Căn, Ðầm Dơi, Cái Nước v.v... mà thôi. (N.H.)