main billboard

Đề cập đến tệ nạn buôn người tại Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế xem việc CSVN dung dưỡng cho các công ty chuyên xuất cảng lao động, bóp nặn tiền bạc, bóc lột người Việt đi làm thuê ở nước ngoài là buôn người.


ĐÀI BẮC (NV) .- Hàng trăm người Việt đang làm thuê tại Đài Loan đã kéo đến Văn phòng Kinh tế Văn hóa của Việt Nam tại Đài Bắc để phản đối một nghị định có liên quan đến họ.

bieutinh congnhan vn dailoanNhững người Việt đi làm thuê tại Đài Loan biểu tình bên ngoài Văn phòng Kinh tế Văn hóa của Việt Nam tại Đài Bắc. (Hình: VOA)

Nghị định này mang số 95, qui định, người Việt nào đi làm thuê ở nước ngoài mà bỏ việc tại nơi công ty xuất cảng lao động của Việt Nam gửi họ tới để làm thuê thì sẽ bị phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.

Trò chuyện với VOA, linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết, lý do những người Việt đi làm thuê tại Đài Loan biểu tình, phản đối Nghị định 95 vì họ nhận ra rằng,nhà cầm quyền CSVN chỉ quan tâm tới tiền, chứ không bận tâm đến sự việc nơi làm thuê đối xử với những người phải đi làm thuê thế nào, môi trường làm việc cũng như chuyện ăn ở tại đó của những người phải đi làm thuê ra sao (?).  Linh mục  cư trú tại Đài Loan, trước nay vẫn thường giúp đỡ người Việt đi làm thuê tại Đài Loan mỗi khi họ gặp khó khăn.

Linh mục Nguyễn Văn Hùng giải thích thêm là người Việt đi làm thuê tại Đài Loan thường bỏ việc tại nơi mà họ được công ty xuất cảng lao động Việt Nam gửi tới, bởi lương tại những nơi đó luôn thấp hơn mức lương phổ biến tại Đài Loan. Chưa kể tất cả đều mắc các khoản nợ rất lớn.

Để được gửi ra nước ngoài làm thuê, mỗi người phải đóng cho nhà cầm quyền CSVN từ 4,000 đến 4,500 USD, chưa kể hàng ngàn đô la phải trả cho các công ty xuất cảng lao động của Việt Nam. Tính ra ít ai nợ dưới mức hàng chục ngàn đô la.

Chỉ riêng năm nay đã có hàng loạt cáo buộc chế độ Hà Nội dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp đến nạn buôn người. Đề cập đến tệ nạn buôn người tại Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế xem việc CSVN dung dưỡng cho các công ty chuyên xuất cảng lao động, bóp nặn tiền bạc, bóc lột người Việt đi làm thuê ở nước ngoài là buôn người.

Hồi tháng 5, một tờ báo điện tử có tên là American Thinker, chuyên giới thiệu những bài bình luận về các vấn đề được xem là quan trọng với Hoa Kỳ, đăng một bài viết của Michael Benge, lên án chế độ Hà Nội chủ trương buôn người.

Trong bài viết có tựa là “Communist Vietnam - Human Trafficker Extraordinaire”, ông Benge cho biết, trong khi Bộ Công an CSVN loan báo, từ 2004 đến 2009, có 2,935 người Việt Nam trở thành nạn nhân của nạn buôn người thì các tổ chức quốc tế cho rằng, số người Việt là nạn nhân của tệ nạn buôn người từ năm 1990 đến nay  phải trên 400,000 người.

Ông Benge tin rằng, số liệu của các tổ chức quốc tế dù lớn nhưng chưa đầy đủ vì chưa tính tới hàng chục ngàn vụ lạm dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất cảng lao động.

Sau năm 1975, Việt Nam đã từng gửi hàng trăm ngàn người đi làm thuê tại Liên Xô và các quốc gia cộng sản ở Đông Âu để trừ các khoản đã vay trong chiến tranh. Từ chỗ đưa người ra nước ngoài làm thuê, tổ chức bán sức lao động của họ để kiếm ngọai tệ, chế độ Hà Nội tiến thêm một bước trong lĩnh vực buôn người, góp sức trong việc mua bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ tình dục.

Michael Benge nhận định, chế độ Hà Nội đã học hỏi Tito – kẻ từng lãnh đạo chế độ cộng sản ở Nam Tư, xem việc đưa người ra nước người làm thuê là để giảm bớt những bất ổn đang âm ỉ bên trong và tăng nguồn thu ngoại tệ.

Trong bài “Communist Vietnam - Human Trafficker Extraordinaire”, ông Benge dẫn các số liệu về số lượng người Việt đi làm thuê ở nước ngoài và lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được trong các năm từ 2005 đến 2010 để minh họa cho nhận định của ông.

Michael Benge đã đưa ra một số dẫn chứng về việc chế độ Hà Nội chuyên buôn người, qua hoạt động của các công ty xuất cảng lao động. Các công ty này thường có nguồn gốc phức tạp, thường xuyên lừa gạt người nghèo bằng những hợp đồng hấp dẫn (lương cao, điều kiện làm việc lý tưởng). Có những người nghèo phải trả tới 10,000 USD cho cái gọi là phí nộp đơn.

Vì nghèo, họ được khuyến khích thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng thanh toán các loại chi phí. Khi ra đến nước ngoài, họ bị thu hộ chiếu, bị ép ký những hợp đồng khác hẳn những gì đã được hứa hẹn, phải làm việc nhiều hơn, điều kiện làm việc tồi tệ hơn, chưa kể hàng tháng còn phải nộp môt khỏan nhất định cho công ty xuất cảng lao động…

Kết quả, người nghèo đi làm thuê ở nước ngoài ngập trong nợ, lệ thuộc vì nợ, gia đình của họ tại Việt Nam thì mất hết tài sản. Có những dấu hiệu đủ rõ ràng để kết luận, các công ty xuất cảng lao động đã liên kết với các ngân hàng và các viên chức chính quyền.

Mới đây, trong báo cáo về triển vọng kiều hối toàn cầu năm 2013, Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam tiếp tục là một trong mười quốc gia dẫn đầu về lượng kiều hối. Ngân hàng Thế giới phòng đoán, năm nay, con số kiều hối mà người Việt từ các nước gửi về Việt Nam sẽ vào khoảng 10.6 tỷ đô la, tăng 6.5% so với năm 2012.

Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài của nhà cầm quyền CSVN cho biết, hiện có khoảng 4.5 triệu người Việt đang định cư tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chưa kế đến nửa triệu người Việt từ Việt Nam đi làm thuê ở nước ngoài.

Một vài chuyên gia kinh tế nhận định, lượng kiều hối do người Việt ở nước ngoài gửi về cho thân nhân tại Việt Nam là một nguồn ngoại tệ quan trọng, giúp Việt Nam cân đối cán cân thanh toán.

Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam được mô tả là đang cạnh tranh về chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối để thu hút thêm khách hàng, qua đó nâng doanh số kiều hối lên cao hơn. Ngân hàng Nhà nước của CSVN tỏ ra rất hoan hỉ trước viễn cảnh lượng kiều hối tăng đều hàng năm.

Họ tuyên bố sẽ củng cố những thị trường kiều hối truyền thống như Hoa Kỳ, Canada, châu Âu, Úc và khuyên các tổ chức tín dụng cần nhanh nhạy hơn trong việc khơi thông dòng chảy kiều hối, thu hút thêm kiều hối bằng cách khai thác tốt hơn những thị trường đang có nhiều người Việt đến làm thuê. (G.Đ)