main billboard

Phải có “phim” để “thẩm định” trước khi quyết định công nhận 17 xã đang tọa lạc trên các đảo ở Kiên Giang có phải “xã đảo” hay không chỉ là một trong số hàng trăm ngàn câu chuyện về thói quan liêu, thủ tục rườm rà, lãng phí của hệ thống công quyền tại Việt Nam.


HÀ NỘI (NV) - Một năm sau khi đã gửi 17 “bộ phim” cho Bộ Nội Vụ để chứng minh 17 xã ở Kiên Giang tọa lạc trên đảo, 17 xã này vẫn chưa được chính quyền Việt Nam công nhận là “xã đảo.”

Trước đây, khi làm thủ tục xin thành lập hai huyện mới ở tỉnh Kiên Giang là Phú Quốc và Kiên Hải, các viên chức hữu trách của tỉnh Kiên Giang quên chú thích hai huyện này là “huyện đảo” và những xã thuộc hai huyện này là “xã đảo.”

xom dao anson
Một xóm trên đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, nơi chính quyền tỉnh Kiên Giang phải tổ chức làm “phim” để được công nhận là “xã đảo.” (Hình: Tuổi Trẻ)

Bởi thiếu yếu tố được công nhận là “xã đảo,” dân chúng cư ngụ tại các “xã đảo” đó không được hưởng những ưu đãi cần thiết về giáo dục, y tế (chẳng hạn khám bệnh, chữa bệnh miễn phí,...) cũng như các chính sách hỗ trợ cho những khu vực dân cư xa xôi, hẻo lánh.

Ðáng nói là lúc chính quyền tỉnh Kiên Giang xin sửa sai (công nhận 17 xã đang tọa lạc trên các đảo ở Kiên Giang là “xã đảo”), Bộ Nội Vụ Việt Nam lại đặt ra yêu cầu phải làm “phim” để cơ quan này tổ chức một “hội nghị thẩm định.” Thẩm định xong, Bộ Nội Vụ Việt Nam mới làm tờ trình gửi thủ tướng Việt Nam ra quyết định công nhận 17 xã đang tọa lạc trên các đảo ở Kiên Giang đúng là... “xã đảo.”

Bởi không còn con đường nào khác, chính quyền tỉnh Kiên Giang đành xuất công quỹ, chi ra 1.4 tỉ cho đài truyền hình Kiên Giang cử người đi 17 xã ghi hình, dựng thành 17 “bộ phim,” mỗi “bộ” dài 15 phút để chứng minh 17 xã đó là... “xã đảo”!

17 “bộ phim” này đã được gửi cho Bộ Nội Vụ Việt Nam cả năm nhưng quyết định công nhận 17 xã đang tọa lạc trên các đảo ở Kiên Giang đúng là... “xã đảo” chưa được ban hành.

Tháng trước, trò chuyện với báo giới, ông Ngô Công Tước, giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Kiên Giang, than rằng, lẽ ra chỉ cần nhìn vào bản đồ là có thể xác định được 17 xã trong danh sách mà chính quyền tỉnh Kiên Giang xin công nhận là “xã đảo” có tọa lạc trên các đảo hay không, cách đất liền bao xa nhưng Bộ Nội Vụ đã đòi như thế thì phải thực thi như thế.

Hôm 3 tháng 11, bà Nguyễn Thị Kim Bé, một đại biểu của tỉnh Kiên Giang, lại tiếp tục thuật lại câu chuyện vừa kể trên diễn đàn Quốc Hội Việt Nam và bình rằng, nếu Bộ Nội Vụ Việt Nam đừng đưa ra những yêu cầu vô lý như làm 17 “bộ phim” thì 1.4 tỉ có thể xây nhà cho người nghèo, hỗ trợ chuyện học hành cho trẻ con. Nay, tiền đã chi rồi, phim đã làm rồi thì đề nghị nên giải quyết sớm.

Nghe xong, một phó chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan phải “xử lý ngay chuyện này.” Chưa rõ “xử lý ngay” theo ý bà Ngân là sớm công nhận 17 xã đang tọa lạc trên các đảo ở Kiên Giang là “xã đảo” hay “xử lý ngay” là truy cứu trách nhiệm của những viên chức Bộ Nội Vụ?

Phải có “phim” để “thẩm định” trước khi quyết định công nhận 17 xã đang tọa lạc trên các đảo ở Kiên Giang có phải “xã đảo” hay không chỉ là một trong số hàng trăm ngàn câu chuyện về thói quan liêu, thủ tục rườm rà, lãng phí của hệ thống công quyền tại Việt Nam.

Cách nay hai thập niên, chính quyền Việt Nam tuyên bố cải cách hành chính, chống lãng phí như một phần của kế hoạch chống tham nhũng (ngăn chặn cơ hội chấm mút từ thủ tục rườm ra và lãng phí), song trên thực tế, tiến trình “cải cách hành chính, chống lãng phí” ở Việt Nam vẫn tạo ra nhiều chuyện mà không ai có thể tưởng tượng.

Chẳng hạn, từ 2011-2013, mỗi năm, Việt Nam chi 120 ngàn tỉ đồng (5.5 tỉ Mỹ kim) cho chương trình “xóa đói, giảm nghèo,” song chỉ có 4% đến 6% khoản này đến tay các gia đình nghèo. Phần còn lại, 94% đến 96% của 120 ngàn tỉ đó được dùng để... nuôi bộ máy thực hiện chương trình “xóa đói, giảm nghèo.”

Ðó cũng là lý do Việt Nam liên tục bội chi, nợ nần chồng chất. Bất kể thế nào thì cũng chẳng có viên chức nào phải chịu trách nhiệm. (G.Ð)